Dung lượng lưu trữ thực tế không được như mong đợi, mạng 4G không hẳn là 4G hay phóng đại thời lượng pin… là những cách hãng di động thường “lừa” người dùng.
Tuy “lừa” người dùng trên nhiều phương diện, nhưng các hãng sản xuất lại không hề phạm luật. Đó là bởi họ chỉ không rõ ràng khi quảng cáo, dẫn đến hiểu lầm. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu.
Dung lượng lưu trữ thực tế không được như quảng cáo
Các hãng di động thường đưa ra thông số cho sản phẩm của mình như “64 GB Surface Pro” hay “16 GB Galaxy S4”. Một người dùng mới sẽ nghĩ các thiết bị nói trên sẽ có 64 hoặc 16 GB dung lượng lưu trữ nhưng thực tế không phải vậy. Một chiếc Surace Pro 64 GB chỉ có khoảng 28 GB dung lượng trống trong khi chiếc Galaxy S4 16 GB cũng chỉ có hơn 8 GB trống dành cho việc lưu trữ.
Các hãng sản xuất thường quảng cáo về dung lượng trong ổ cứng của máy, không phải dung lượng sử dụng được trên thực tế. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dùng sẽ phải chịu luôn phần hệ điều hành hoặc các ứng dụng cài đặt sẵn trên máy. Có một điểm đáng chú ý nữa là phần dung lượng sử dụng được trên mỗi thiết bị đều khác nhau tùy thuộc vào từng nhà sản xuất. Chẳng hạn, một chiếc iPad 64 GB sẽ có khoảng 57 GB dung lượng trống, thay vì chỉ 28 GB như Surface Pro.
Do đó, lẽ ra các hãng di động lên quảng cáo về những chiếc Surface Pro 28 GB, Galaxy S4 8 GB hay iPad 57 GB hơn là những con số tròn trĩnh nói trên khiến cho người dùng hiểu nhầm.
Mạng 4G hiện nay chưa phải là 4G
4G LTE đã trở nên rất phổ biến trên những chiếc điện thoại cao cấp hiện nay nhưng ít ai biết, còn khá xa nữa các nhà mạng lớn trên thế giới mới đạt được tốc độ 4G thực sự (chuẩn 4G thực sự có thể đạt tốc độ nhanh gấp 5 – 10 lần tốc độ được quảng cáo là 4G hiện tại).
Vấn đề là ở chỗ, các nhà mạng cần một thuật ngữ mang tính marketing cho sản phẩm của mình nên tổ chức Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đồng ý để họ quảng cáo về một thứ mạng 4G LTE với tốc độ cao hơn mạng 3G nhưng chưa đạt đến chuẩn 4G.
Retina, Reality Engine, Clearblack và các loại màn hình
Nếu để ý kỹ vào thông số của các thiết bị cảm ứng, đặc biệt là điện thoại – bạn sẽ thấy một loạt các thuật ngữ khó hiểu. Chẳng hạn Sony luôn nói về màn hình TruBlack, hay X-Reality Picture Engine, Toshiba có TruBrite, Nokia có ClearBlack hay PureMotion HD+ vv…
Điều này dẫn đến việc người dùng hiểu nhầm, chẳng hạn công nghệ X-Reality Picture Engine chỉ có trên sản phẩm Sony. Điều này không hoàn toàn đúng. Các hãng công nghệ đăng ký bản quyền những thuật ngữ nói trên, đồng nghĩa với việc chỉ mình họ được sử dụng nó, trong khi về mặt bản chất, những công nghệ nói trên có thể được phát triển bởi bất cứ hãng nào nhưng dưới 1 cái tên khác.
Lấy một ví dụ, Apple luôn quảng cáo về loại màn hình Retina mà chỉ riêng iPhone mới có. Công nghệ Retina thực chất ám chỉ một loại màn hình có độ phân giải rất cao nhưng hiện nay, đã có khá nhiều smartphone qua mặt iPhone về số mật độ điểm ảnh trên màn hình nhưng vẫn không được coi là có màn hình Retina bởi thương hiệu đó đã thuộc về Apple.
Phóng đại về thời lượng pin
Điều này không làm nhiều người bất ngờ, tuy nhiên, bạn vẫn cần cẩn thận khi đi mua sắm. Bạn không nên tin vào những con số về thời lượng pin đưa ra trên website của nhả sản xuất mà hãy dựa vào kết quả thử nghiệm của một bên thứ 3 nào đó – những người không có ý định bán cho bạn bất cứ thiết bị nào.
Thời lượng pin của sản phẩm thường được quảng cáo dưới dạng “lên đến x giờ” hoặc “tối đa là x giờ”, tuy nhiên đó là những con số được thực hiện trong điều kiện lý tưởng nhất còn thực tế sử dụng thực tế không bao giờ đạt được mức độ đó.
Theo Infonet