Hiện nay có nhiều người cho rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên không khác bao nhiêu với cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam, rằng đều là chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc, nếu có khác chăng thì chỉ là tiểu tiết. Trong bài viết Ẩn số Triều Tiên, quá khứ – hiện tại – tương lai, tôi đã viết một phần nói về các diễn biến và tính chất khác biệt giữa hai cuộc chiến này, nhưng do quá “ôm đồm”, không muốn bỏ sót một chi tiết nhỏ nào, nên tôi đã liệt kê cả những tiểu tiết khác biệt. Trong bài này, tôi đã gạn lọc ra những khác biệt quan trọng, chính yếu, rút gọn lại và làm rõ hơn những sự khác biệt đó. Đó đều là những khác biệt lớn chứ không hề là tiểu tiết.
1. Quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng và liên quân Anh – Pháp đi vào giải giáp quân Nhật là đi vào một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã độc lập, là đi vào một quốc gia có chủ quyền. Quân Liên Xô và quân Hoa Kỳ đi vào giải giáp quân Nhật là đi vào một bán đảo Triều Tiên chưa có độc lập chủ quyền.
Sở dĩ như vậy là vì uy danh của Kim Nhật Thành và Đảng Lao động Triều Tiên không mang tính chất toàn quốc, thế và lực của họ không lan rộng ra được cả nước. Khi phát xít Nhật thua Đồng minh thì lực lượng Kim Nhật Thành vẫn còn rất yếu, chỉ được lòng dân một cách hạn chế, mang tính chất khu vực, địa phương, cục bộ, vì vậy họ không có cái thế và lực để tuyên bố độc lập như chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Việt Minh và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm ở Việt Nam. Họ không đủ sức để làm nên được một cuộc Cách mạng tháng Tám giành chính quyền từ tay Nhật như ở Việt Nam.
Và khi Liên Xô đem quân vào Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đem quân vào Nam Triều Tiên thì bán đảo Triều Tiên khi đó vẫn chưa có một nước, chưa có một quốc gia có chủ quyền. Còn Việt Nam thì chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước khi quân Đồng minh tiến vào.
Việt Nam thành lập Nhà nước, bầu cử Quốc hội, hoàn thành Hiến pháp, thành lập Chính phủ, tuyên bố chủ quyền độc lập và thống nhất trên khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam trong thời gian 1945-1946, trong lúc “Quốc gia Việt Nam” và “Việt Nam Cộng hòa” của Pháp – Mỹ chưa hề tồn tại, và mãi về sau mới được Pháp – Mỹ dựng lên.
Trong kháng chiến chống Pháp, ban đầu tự tin với sức mạnh của một đội quân nhà nghề có trình độ phát triển, cấp độ văn minh khoa học kỹ thuật cao hơn Việt Nam nhiều thế kỷ, thực dân Pháp tưởng rằng chỉ cần vài tuần, hay lâu lắm thì cũng chỉ vài tháng là sẽ “làm cỏ” Việt Minh, Đảng, và chính phủ Hồ Chí Minh, thôn tính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lại thuộc địa Đông Dương. Nhưng sau khi Việt – Pháp giao tranh với nhau đã 4 năm thì Pháp bắt đầu thấy không ổn, tới năm 1949, Pháp bắt đầu chiến lược “Da vàng hóa chiến tranh”, dựng lên “Nam Kỳ quốc” (Nguyễn Văn Thinh đứng đầu), “Quốc gia Việt Nam” (tự xưng là “chính phủ Quốc gia”, do Bảo Đại và Nguyễn Văn Xuân đứng đầu), tiền thân của “nước Việt Nam Cộng hòa”.
Trên bán đảo Triều Tiên thì Lý Thừa Vãn ở Nam Triều Tiên thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc (Còn gọi là Cộng hòa Triều Tiên) vào ngày 15 tháng 8 năm 1948. Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào ngày 9 tháng 9 năm 1948.
Như vậy, ở Việt Nam năm 1949 là giặc xâm lược Pháp đã dựng lên những “quốc gia” lên trên một quốc gia có chủ quyền, đã độc lập từ năm 1945, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và luật pháp Việt Nam đã ban hành và có hiệu lực từ năm 1946. Trắng trợn hơn là thực dân Pháp đã làm những điều đó ngay trong lúc họ đang xâm lược Việt Nam và hai nước đang giao tranh với nhau.
Còn ở Triều Tiên thì cả hai phe đều lập quốc rất trễ và xấp xỉ cùng thời gian với nhau, và Đại Hàn Dân Quốc đã được thành lập trước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên gần 1 tháng.
Như vậy là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tiền thân của nước CHXHCN Việt Nam ngày nay) và CHDCND Triều Tiên có sự khác nhau về tính chính danh. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Sự chính danh đưa tới sự chính ngôn để có được lòng dân và có sự danh chính ngôn thuận, làm sáng tỏ chính nghĩa của mình. Đó là một trong những sự khác biệt to lớn giữa hai bên, chứ không hề là tiểu tiết.
2. Ý chí quốc gia và tính nhất quán của chính phủ quốc gia đó trong vấn đề ngoại giao cũng nói lên được bản chất của sự việc. Ở đây chúng ta thấy ý chí của Việt Nam và sự nhất quán của chính phủ và Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Nam chưa bao giờ công nhận các ngụy quyền và nói chuyện gì với họ, chưa bao giờ tôn trọng và xem các ngụy quyền ở Sài Gòn là một thực thể ngang hàng với mình, chưa bao giờ xem họ có tư cách nói chuyện, đàm phán ngang hàng với mình, chưa bao giờ xem họ có tư cách của một quốc gia, nhà nước, chính phủ thật sự. Tóm lại là chưa bao giờ coi họ ra gì. Việt Nam muốn nói chuyện, muốn giải quyết vấn đề gì, muốn đề xuất việc gì thì tìm Pháp – Mỹ, những người có quyền thật sự mà nói.
Trong khi đó, trên bán đảo Triều Tiên vào thập niên 1970 quan hệ hai nước dần được cải thiện, và hai bên bán đảo Triều Tiên cùng công nhận sự hợp pháp của nhau. Năm 1976, Bình Nhưỡng đã chấp nhận lời đề nghị của Hán Thành thành lập Ủy ban Hỗn hợp Nam Bắc để giải quyết vấn đề tái hợp hai nước, thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình. Đại biểu, lãnh đạo, quan chức của hai quốc gia, kể cả Kim Nhật Thành và các tổng thống Hàn Quốc đã gặp gỡ nhiều lần tại thủ đô của hai bên.
Thử hình dung chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đi gặp Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương và đi nói chuyện với các công cụ chính trị, công cụ chiến tranh của Pháp – Mỹ, nghĩ đến cũng đã thấy buồn cười.
Đến năm 1991 thì cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã chính thức công nhận lẫn nhau để chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc cùng một lúc. Mặc dù năm 1948 Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết công nhận Đại Hàn Dân Quốc ngay sau khi Lý Thừa Vãn tuyên bố lập quốc, nhưng ngày 17 tháng 9 năm 1991 Hàn Quốc mới chính thức được kết nạp trở thành thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc, cùng ngày với CHDCND Triều Tiên. Việc này cho thấy Kim Nhật Thành (lúc này vẫn còn cầm quyền) và CHDCND Triều Tiên đã chính thức thừa nhận sự chính danh của Đại Hàn Dân Quốc.
Như vậy là Việt Nam và CHDCND Triều Tiên khác nhau ở tính chính danh và ý chí nhất quán, trước sau như một làm sáng tỏ sự chính danh đó. Cũng như Hàn Quốc và các ngụy quyền ở Sài Gòn khác nhau về tính hợp pháp, cả về luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Hàn Quốc lập quốc cùng thời điểm với CHDCND Triều Tiên và sau này được Kim Nhật Thành và CHDCND Triều Tiên nhiều lần công nhận gián tiếp và trực tiếp, và năm 1991 đã công nhận chính thức. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chưa bao giờ công nhận “Nam Kỳ quốc”, “Quốc gia Việt Nam”, “Việt Nam Cộng hòa” là một quốc gia.
3. Khác nhau về tính chất cuộc chiến và thành phần tham chiến. Chiến tranh Triều Tiên có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là cuộc chiến giữa quân đội Kim Nhật Thành từ phía Bắc đánh thẳng vào phía Nam và quân phòng thủ của Lý Thừa Vãn. Quân đội ngoại bang không có nhiều vai trò trong giai đoạn 1 này. Trong thời gian này quân Liên Xô và quân Mỹ đều đã rút khỏi.
Giai đoạn 2 là gần 100 vạn quân Trung Quốc chống nhau với các lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ đứng đầu. Lúc này các chóp bu lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đều không ở trong nước mà đang lưu vong ở Mãn Châu, Trung Quốc, còn quân đội Triều Tiên về cơ bản đã tan rã. Quân đội Hàn Quốc trong giai đoạn 1 cũng đã không còn bao nhiêu thực lực, do đó không có vai trò gì nổi bật trong giai đoạn 2.
Như vậy giai đoạn 1 là quân trong nhà chống nhau và mang tính chất cục bộ. Giai đoạn 2 là quân bên ngoài đánh nhau trên bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy mà các trang web của chính phủ CHDCND Triều Tiên hiện nay trong phần lịch sử, họ không viết gì cặn kẽ, rõ ràng, cụ thể về cuộc chiến Triều Tiên mà viết rất ngắn gọn rồi lập tức đi đến kết luận vội vàng theo lợi ích của họ, hoàn toàn không nhắc đến vai trò của đại quân Trung Quốc, của nguyên soái Bành Đức Hoài. Phần “lịch sử” của họ về cuộc chiến này rất khác với những quan điểm chung của các chính phủ và giới sử học quốc tế, kể cả đồng minh Trung Quốc và giới sử học nước này.
Trường hợp ở Việt Nam thì khác, cuộc chiến ngay từ đầu đã diễn ra chủ yếu bằng lực lượng tại chỗ ở miền Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thực chất chính là Quân đội Nhân dân Việt Nam của miền Nam Việt Nam. Thành phần của quân đội này bao gồm lực lượng quân sự, vũ trang chống Pháp của miền Nam “trốn” không tập kết ra Bắc, mà bí mật ở lại quê quán sau hiệp nghị Genève 1954, kết hợp bộ phận tăng viện từ miền Bắc (mà trong số này phần lớn chính là những người miền Nam đã tập kết ra Bắc và bây giờ trở về quê hương đánh Mỹ, những người này đã quen thuộc, thông thạo địa hình, đường xá quê nhà, có sẵn các mối quan hệ thân thiết, quen thuộc, do đó sẽ tác chiến du kích thuận lợi hơn) và lực lượng chiêu mộ tại chỗ ở miền Nam, trở thành lực lượng quân sự của Mặt trận (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) thực hiện mục tiêu chống Mỹ của Đảng và Nhà nước Việt Nam ở miền Nam Việt Nam.
Như vậy, trường hợp ở Việt Nam không mang tính cục bộ như ở Triều Tiên, không phải là quân đội ở phía Bắc giao tranh với quân đội ở phía Nam như giai đoạn 1 trên bán đảo Triều Tiên. Chiến cuộc ở VN ngay từ ban đầu đã mang bản chất toàn quốc, với sự tham chiến chống Mỹ của cả nước. Thực tế chiến cuộc đã cho thấy là miền Nam đánh Mỹ trực tiếp, miền Bắc chi viện và bổ sung. Lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, đảng viên cấp cao thì có cả người Nam và người Bắc.
Trong những bộ phim tài liệu, chương trình kỷ niệm về thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ đã cho thấy rằng đa số họ là những người quê quán ở miền Nam, nói giọng Nam rặt. Ngay cả lực lượng bổ sung từ miền Bắc cũng thường là những người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, họ chỉ là về lại quê hương miền Nam hoạt động và chiến đấu chống ngoại xâm. Do đó cuộc chiến này do lực lượng tại chỗ ở miền Nam chiến đấu trực tiếp, do nhiều người miền Nam chỉ huy, miền Nam trực tiếp chống Mỹ và tổn thất nhiều nhất.
Thống kê đã cho thấy số phụ nữ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (theo tiêu chuẩn có ít nhất 3 liệt sĩ là bản thân, chồng, hoặc con trai trong gia đình) ở miền Nam nhiều gần gấp đôi ở miền Bắc. Miền Nam có 29.220 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, miền Bắc có 15.033 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cho thấy một thực tế là quân đội, đảng viên, cán bộ miền Nam đã hy sinh nhiều hơn miền Bắc.
Nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, tướng lĩnh, quân nhân làm việc, công tác ở ngoài Bắc trong thời gian đó cũng chính là từ miền Nam. Nhiều trường miền Nam đã được xây dựng ở miền Bắc để nuôi dạy các “hạt giống đỏ” thiếu nhi miền Nam.
Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám diễn ra trên cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập trên cả nước. Quốc hội Việt Nam DCCH được bầu trên cả nước. Hiến pháp 1946 được ban hành cho cả nước. Cả nước chống Pháp.
Theo hiệp định Genève, Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Nam tập kết ra Bắc, tuy nhiên có một bộ phận rất lớn đã “trốn” tập kết mà bí mật ở lại nơi chôn nhau cắt rốn, hoạt động cách mạng. Đồng thời, ngụy quân miền Bắc của thực dân Pháp cũng tập kết vào Nam. Sau đó là cả nước chống Mỹ. Như vậy, cuộc chiến ở Việt Nam mang tính toàn quốc chứ không mang tính vùng miền như ở bán đảo Triều Tiên.
4. Yếu tố lòng dân cũng là một sự khác nhau quan trọng. Trong đa số những cuộc biểu tình chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, giới trẻ, thanh niên, sinh viên Sài Gòn và cả miền Nam giương cao những băng rôn, biểu ngữ ủng hộ, ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Lao động Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, giương cao quốc kỳ, cờ Mặt trận, cờ Đảng (cờ búa liềm), giương cao hình Bác Hồ, hình đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Trong khi đó xưa nay chưa hề có một cuộc biểu tình nào ở Hàn Quốc mà có được 1 biểu ngữ, khẩu hiệu nào tỏ thái độ ủng hộ Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, gia tộc họ Kim, Đảng Lao động Triều Tiên hay CHDCND Triều Tiên, không thấy ai giơ cao quốc kỳ CHDCND Triều Tiên hay cờ Đảng Lao động Triều Tiên, cũng không ai giơ lên hình Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật.
Tại Hàn Quốc, một bộ phận tuy có thể là không ưa Mỹ, không ưa chính phủ Hàn Quốc, nhưng họ không theo Bắc Triều Tiên. Họ không đào hầm nuôi giấu các điệp viên từ Bình Nhưỡng, họ không cầm súng bạo động chống lại Hàn Quốc, Mỹ, Liên Hiệp Quốc.
Trong thập niên 1950, Kim Nhật Thành đã từng cho đào rất nhiều đường hầm xuyên qua vĩ tuyến 38 để đột nhập vào Nam. Trong đó có 3 đường hầm được khám phá vào năm 1974, 1975 và 1978. Nhiều cán binh Bắc Triều Tiên được đặc phái đến Hàn Quốc nằm vùng, đa số đều bị lực lượng cảnh sát, mật thám của Hàn Quốc và CIA tiêu diệt. Bắc Triều Tiên không len lỏi, trà trộn vào nổi, không xây dựng được căn cứ, cơ sở nào ở Nam Triều Tiên, đó là do họ không có nền tảng quần chúng, không có đủ lòng dân, không hội đủ yếu tố “nhân hòa” như ở miền Nam Việt Nam.
Người dân Hàn cũng không có gởi con em, con cháu đi theo CHDCND Triều Tiên. Tại miền Nam VN thì đa số người dân miền Nam có cảm tình với Mặt trận, ủng hộ Đảng, tin vào Bác Hồ, bà mẹ miền Nam gởi con ra Bắc đã dặn: “Con ra thưa với cụ Hồ, Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”. Người dân Nam VN đào hầm nuôi giấu cách mạng và cho con em, con cháu mình ra bưng biền, ra chiến khu, ra những vùng giải phóng đi theo kháng chiến.
Đó là những sự khác biệt thấy rõ về lòng dân, lòng dân ở Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên!
5. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hồ Chí Minh có cơ sở lịch sử và nhiều chứng cứ, văn kiện pháp lý cho thấy tính chính danh, chính thống rõ như ban ngày và không thể tranh cãi của mình. Còn Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Chính phủ Kim Nhật Thành thì không có cơ sở lịch sử đủ mạnh (như đã phân tích ở trên) và họ còn không có bất kỳ một chứng cứ, văn kiện pháp lý nào cho thấy tính chính thống, chính danh của họ.
Năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Việt Nam giành lại được độc lập, với quốc hiệu chính thức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946, cả nước tổng tuyển cử Quốc hội, bầu ra Quốc hội khóa I và hoạt động liên tục một cách hợp hiến, hợp pháp cho tới ngày nay.
Các văn bản, văn kiện có giá trị pháp lý sau đó như: Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946, sắc lệnh 229/SL của chủ tịch Hồ Chí Minh quy định các cơ quan quân sự trên toàn cõi Việt Nam (bao gồm ở miền Nam Việt Nam) đều trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam DCCH vào tháng 11 năm 1946, tuyên cáo 12 khu hành chính của Việt Nam DCCH (trong phạm vi cả nước) cũng vào tháng 11 năm 1946, và hiệp định Genève 1954. Tất cả những văn kiện pháp lý đó đều minh định một nguyên tắc cơ bản: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước độc lập và thống nhất từ Bắc chí Nam.
Những dấu ấn lịch sử đó, những vật chứng lịch sử đó đã xuất hiện trong lúc trên đất Việt không hề tồn tại bất kỳ một quốc gia, nhà nước, chính thể, chính quyền, ngụy quyền nào khác, và cả sau này cũng không có một quốc gia, nhà nước, chính thể nào khác được bầu ra theo một thể thức như vậy, mà mang tính đại chúng, mang tính quốc gia trên cả nước, và đậm đặc ý chí toàn dân đến như vậy.
Ngay cả hiệp định Genève về Đông Dương cũng chỉ công nhận làn ranh giới tuyến quân sự tạm thời trong 2 năm để chờ tổng tuyển cử, tạm chia làm 2 vùng tập trung quân sự cho 2 bên tập kết chứ không nói gì đến vấn đề thay đổi lãnh thổ. Theo hiệp định này, vĩ tuyến 17 không phải là làn ranh có ý nghĩa về lãnh thổ, chính trị, hay địa lý. Hiệp nghị này không có ý nghĩa chia đôi đất nước về lãnh thổ và chính trị.
Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 có hai phần: Phần “Thỏa hiệp” và phần “Tuyên bố Cuối cùng” (Final Declaration).
Phần “Thỏa hiệp”, gồm 47 điều khoản, được ký kết giữa Henri Delteil, Quyền Tổng tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam. Phần này có những điều khoản chính như sau:
– Thiết lập một đường ranh giới quân sự tạm thời tại vĩ tuyến 17 (military zone) để quân đội hai bên rút quân về: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở trên vĩ tuyến 17, lực lượng quân đội Liên hiệp Pháp (French Union), bao gồm lính Pháp và lính ngụy ở dưới vĩ tuyến 17.
– Sẽ có một cuộc tổng tuyển cử tự do trên toàn cõi Việt Nam vào năm 1956. Quân đội Pháp phải rời khỏi Việt Nam trong 2 năm.
Bản “Tuyên bố cuối cùng” gồm 13 đoạn, nói đến cả sự thống nhất và độc lập của Việt – Miên – Lào, trong đó có một đoạn đáng để ý và cực kỳ quan trọng:
Đoạn (6) (Paragraph (6)) nguyên văn như sau:
“Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI. Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam”.
(The Conference recognizes that the essential purpose of the Agreement relating to Vietnam is to settle military questions with a view to ending hostilities and that THE MILITARY DEMARCATION LINE IS PROVISIONAL AND SHOULD NOT IN ANY WAY BE INTERPRETED AS CONSTITUING A POLITICAL OR TERITORIAL BOUNDARY. The Conference expresses its conviction that the execution of the provisions set out in the present Declaration and in the Agrrement on the cessation of hostilities creates the necessary basis for the achievement in the near future of a political settlement in Vietnam.)
Và phần đầu của đoạn (7) nguyên văn như sau:
“Hội Nghị tuyên cáo rằng, về Việt Nam, sự dàn xếp những vấn đề chính trị, thực hiện trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc về nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ khiến cho người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản, bảo đảm bởi những định chế dân chủ được thành lập như là kết quả của một cuộc tổng tuyển cử bằng phiếu bầu kín.” [Được ấn định vào tháng 7, 1956].
(The Conference declares that, so far as Vietnam is concerned, the settlement of political problems, effected on the basis of respect for the principles of independence, unity and territorial integrity, shall permit the Vietnamese people to enjoy the fundamental freedoms, guaranteed by democratic institutions established as a result of free general elections by secret ballot..)
Tổng kết nội dung cơ bản của Hiệp ước Genève về Đông Dương:
– Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam – Campuchia – Lào.
– Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.
– Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập trung quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bao gồm cả người miền Nam) tập kết về miền Bắc; Chính quyền và quân đội Pháp-ngụy (bao gồm cả người miền Bắc) tập kết về miền Nam.
– 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền.
– 2 năm sau, tức ngày 20 tháng 7 năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để tái thống nhất Việt Nam.
Sau đó, như mọi người đã biết, Mỹ đã từ hậu trường chính trị nhảy ra sân khấu chính trị, xuyên tạc và phủ nhận hiệp định Genève về Đông Dương, ngăn cản việc thi hành cuộc tổng tuyển cử tự do, ai có hành động tổ chức tổng tuyển cử là bắn bỏ, thậm chí ai nói gì về việc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước là bị vu cáo là “cộng sản”, là “Việt Cộng”, là đang tuyên truyền tiếp tay cho “Bắc Việt” và trấn áp, bắt bớ, giam cầm, tra khảo, tra tấn. Ém nhẹm, xuyên tạc những nội dung chính của hiệp định, phá hoại các điều khoản chính trong hiệp định, và nghiêm trọng nhất là điều khoản: “ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI”. Đây là những dữ kiện lịch sử khách quan không thể nào chối bỏ.
Hiến pháp năm 1959 cũng nhắc lại và nhấn mạnh những nguyên tắc trên. Như vậy, bất kỳ thế lực bên ngoài nào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và tạo ra những “quốc gia” lên trên một quốc gia đã tồn tại hàng ngàn năm, dựng lên những “nhà nước” lên trên một nhà nước đã thành lập từ năm 1945, lập ra những “quốc hội” lên trên Quốc hội khóa I đã bầu cử toàn quốc từ năm 1946 thì đều là vi phạm luật pháp Việt Nam, xâm phạm và chà đạp lên chủ quyền của Việt Nam.
Hãy hình dung nếu bây giờ Trung Quốc chiếm đóng miền Bắc Việt Nam rồi dựng lên một “nước Cộng hòa Nhân dân Việt Nam”, đưa một hậu duệ nào đó của Hoàng Văn Hoan lên làm “chủ tịch anh minh”, “thủ tướng anh minh”. Hay Hoa Kỳ chiếm đóng miền Nam Việt Nam rồi tái lập một “nước Việt Nam Cộng hòa”, hoặc giả thành lập một “nước Dân chủ Việt Nam”, “nước Việt Nam Tự do” nào đó, đưa Đỗ Hoàng Điềm, Hoàng Cơ Định, Nguyễn Hữu Chánh, Lý Tống… về làm “tổng thống anh minh” trên đất Việt Nam, thì có phải là vi phạm luật pháp Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hay không?
Bầu cử Quốc hội ở Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên diễn ra gần như cùng thời điểm với nhau, và chỉ diễn ra trong phạm vi Nam – Bắc, trong phạm vi thuộc vùng kiểm soát, quản lý của hai bên. Kim Nhật Thành có gởi một đoàn vài chục nhân viên vượt vĩ tuyến vào Nam “lấy lá phiếu bầu cử” nhưng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, vì mấy chục người này vào Nam vừa lộ diện ra là người thì bị cảnh sát, quân đội của Lý Thừa Vãn đuổi bắn, người thì sa vào tay đặc vụ của Lý. Không còn bao nhiêu người sống sót trở về Bắc.
Như vậy, Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và chứng cứ pháp lý rõ ràng. Triều Tiên thì cơ sở lịch sử yếu và không có chứng cứ pháp lý.