Một thế hệ trẻ sầu đời, hay than vãn và không nhìn rõ tương lai phải chăng đang hình thành?
“Người hùng” Nick Vujicic đã rời Việt Nam sau hành trình từ Bắc vào Nam, để lại rất nhiều cảm xúc và cả… sóng gió. Đã lâu lắm mới có một sự kiện làm dấy lên cuộc tranh luận nhiều chiều trong giới truyền thông và giữa lòng công chúng. Tuy nhiên, sau khi tất cả những ồn ào đã qua đi, có bao nhiêu người tự hỏi điều gì sẽ thực sự lắng đọng lại trong mỗi chúng ta?
Có gì đó… “không bình thường”
Thay vì mải mê tranh cãi xem số tiền mà đơn vị tổ chức bỏ ra để đưa Nick về Việt Nam là nhiều hay ít, nên chăng hãy đặt câu hỏi vì lí do gì mà công chúng và đặc biệt là giới trẻ lại bị lôi cuốn mạnh mẽ đến vậy bởi sự xuất hiện của một người đàn ông không tay chân đến từ một đất nước xa lạ.
Người viết nhắc tới hình ảnh một người đàn ông không tay chân của Nick với tất cả sự kính trọng chứ không phải vì thương hại hay kỳ thị. Bởi lẽ, người viết mong muốn bạn đọc luôn nhớ rằng Nick là một người khuyết tật. Chính bởi anh là một người khuyết tật nên những gì anh đã làm được thực sự là điều kỳ diệu, xứng đáng được tôn trọng và trân trọng.
Song nếu suy ngẫm một chút, dường như sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng và đặc biệt là giới trẻ dành cho Nick không chỉ xuất phát từ lòng ngưỡng mộ. Sẽ rất bình thường nếu như Nick tới Việt Nam và đem câu chuyện vượt lên số phận của mình để an ủi và đem lại hi vọng cho những con người có hoàn cảnh như anh.
Nhưng có gì đó “không bình thường” khi hàng vạn con người trẻ trung, khỏe mạnh, lành lặn cũng chen lấn nhau, vây lấy anh để lắng nghe những lời chia sẻ về cách sống và giá trị sống. Nếu nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng trong một khoảnh khắc, người cần được an ủi, chở che lại đang an ủi và chở che cho những người lẽ ra phải làm điều đó.
Dĩ nhiên, như vậy không phải là xấu vì tâm hồn cũng như thể xác con người luôn cần những món ăn để có thể khỏe mạnh và sáng suốt. Nick đã đem đến cho chúng ta một món ăn như thế. Nhưng khi sự chào đón vượt một ngưỡng vừa phải và trở nên cuồng nhiệt, câu hỏi đặt ra là phải chăng người Việt Nam và nhất là giới trẻ thực sự thiếu thốn một thứ gì đó chứ không phải chỉ cần bổ sung một chút “vitamin cho tâm hồn”?
Chỉ cần lướt qua Facebook
Những ai có cơ hội tiếp xúc nhiều với nhịp sống của giới trẻ hôm nay sẽ dễ nhận ra một điều không ít thanh thiếu niên không thể tìm ra cho mình một mục tiêu sống rõ ràng, không biết mình cần phải làm gì, và muốn đạt tới điều gì. Chỉ cần lướt qua facebook cũng có thể thấy được muôn hình vạn trạng những lời chán nản của những bạn trẻ tuổi đôi mươi. Từ miền quê cho tới thành phố, tụ tập, nhậu nhẹt là những gì nhiều người trẻ đang lao vào để… giải sầu. Một thế hệ trẻ sầu đời, hay than vãn và không nhìn rõ tương lai phải chăng đang hình thành?
Cũng đã qua thời kỳ khi lớp lớp thanh niên sục sôi những lý tưởng của tuổi trẻ. Dường như thanh niên ngày nay ít quan tâm tới những điều lớn lao hơn, nghĩ tới bản thân mình nhiều hơn và cũng sống thực dụng hơn. Không ai đổ tất cả lỗi lầm cho các em bởi tìm ra con đường cho mình không phải bao giờ cũng dễ, nhất là trong bối cảnh xã hội đang có nhiều xáo trộn.
Sự lên ngôi của một xã hội kim tiền buộc người trẻ phải chạy theo nó và bỏ quên những ước mơ tốt đẹp trong dòng chảy hối hả của cuộc sống.
Và đáng buồn hơn, xã hội đầy rẫy những lọc lừa, dối trá đã khiến các em mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào tình cảm tốt đẹp giữa người với người. Là một người thầy, người viết thấu hiểu rằng dạy kiến thức cho các em dễ hơn rất nhiều việc dạy các em có niềm tin vào sự tốt đẹp trong cuộc sống.
Hơn 25.000 khán giả xem diễn thuyết của Nick tại sân vận động Mỹ Đình tối 23/5. Ảnh: Hồ Hương Giang |
Đã nhiều lần người viết chạnh lòng khi thấy tất cả những sinh viên từng gửi thư hỏi về cơ hội trở thành giảng viên đều hỏi một câu giống nhau, việc tuyển dụng có phải rất tiêu cực không? Với những người có học thức cao, nuôi mơ ước trở thành người gieo mầm cho tương lai mà sự hoài nghi còn thường trực như vậy thì thử hỏi trong đông đảo thanh niên, niềm tin vào sự công bằng, trong sạch của cuộc sống còn ít ỏi đến mức nào?
Sẽ là một câu chuyện dài nếu chúng ta bàn về việc ai đã đánh cắp niềm tin vào cuộc sống của các em. Nhưng hãy dành câu chuyện đó cho một bài viết khác và trở lại với câu chuyện về “người thắp lửa” Nick Vujicic.
Có người cho rằng anh là sản phẩm của truyền thông, người viết cũng không hoàn toàn đồng tình, bởi lẽ truyền thông dù có mạnh tới đâu cũng phải xuất phát từ việc Nick thực sự có sức hấp dẫn nội tại với những người lắng nghe và ngắm nhìn anh. Nhưng người viết cho rằng, bản thân câu chuyện thành công của anh chỉ là một phần làm nên sức hút mãnh liệt đối với công chúng Việt Nam.
Với những điều đã đề cập ở trên, người viết mạnh dạn nghĩ, một trong những lý do khiến Nick được chào đón nồng nhiệt đến vậy, là do anh đã đánh trúng vào sự thiếu thốn của công chúng Việt Nam, nhất là giới trẻ. Đó là sự thiếu thốn về mục đích, lý tưởng sống và niềm tin vào cuộc sống. Sự xuất hiện bằng xương bằng thịt của anh đã có tác dụng khơi dậy được phần nào những tình cảm đó, vốn thường ngày chìm lấp trong những con người hoang mang hay chán nản trước cuộc đời.
Tại sao lại là Nick?
Vậy thì tại sao lại là Nick chứ không phải một người Việt Nam nào khác? Thật không hề sai khi nhiều người cho rằng ở Việt Nam những người bằng nghị lực và tài năng vượt lên số phận như Nick không phải là hiếm. Có điều, tình cảm đặc biệt dành cho Nick chưa chắc đã là sự vọng ngoại mà còn hé mở một điều nghiêm trọng hơn thế: Ở sự thiếu vắng niềm tin?
Người Việt Nam, nhất là người trẻ đã không còn tin vào rất nhiều điều, và đáng buồn hơn cả là sự mất lòng tin vào chính đồng bào mình. Không khó để tìm thấy những biểu hiện của điều này trong cuộc sống hàng ngày. Người Việt dễ đố kỵ nhau, thường nhìn nhau bằng sự hoài nghi và ánh mặt ngờ vực.
Chính bởi thế, một người đến từ đất nước xa xôi như Nick dẫu bị rào cản về khoảng cách và ngôn ngữ, nhưng thực chất lại không phải chịu đừng rào cản niềm tin như những tấm gương sáng người Việt khác. Vì thế Nick chiếm được tình cảm của người Việt Nam nhanh hơn và sâu đậm hơn.
Do đó, có lẽ chúng ta hãy ngừng tranh cãi về sự đắt rẻ của cuộc viếng thăm này và coi đó là món học phí chúng ta phải trả để nhận ra nhiều điều, cả ngọt ngào lẫn cay đắng. Nick không chỉ đánh động vấn đề chăm lo cho người khuyết tật để sao cho họ được tạo điều kiện sống và cống hiến. Nick không chỉ khơi gợi những suy ngẫm về vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ người khuyết tật nhờ nâng cao mức độ quan tâm của cộng đồng.
Trên hết, Nick vô tình đã “hé lộ” cho chúng ta thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng lý tưởng sống và niềm tin vào cuộc sống của giới trẻ Việt Nam.
Giúp “cần câu, không giúp “xâu cá”
Sẽ không công bằng nếu kết luận rằng giới trẻ Việt Nam không yêu những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Trên những trang mạng xã hội, những câu chuyện cảm động về tình yêu, tình người vẫn được hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Hoặc nhìn bao dung một chút, sự yêu thích đặc biệt của giới trẻ đối với diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc một phần cũng bởi hình ảnh đẹp và những thông điệp đẹp họ gửi gắm. Tất cả những điều đó cho thấy giới trẻ Việt Nam vẫn sẽ hướng tới giá trị tốt đẹp trong cuộc sống nếu những giá trị đó đủ sức truyền cảm hứng.
Nhưng nhìn vào những điều khiến giới trẻ hôm nay yêu mến, chúng ta sẽ thấy có những điểm khác biệt. Những hình mẫu được giới trẻ ngưỡng mộ như Nick gần gũi, sống động và giản dị hơn những hình mẫu lý tưởng trong sách vở rất nhiều.
Những giá trị sống tốt đẹp được giới trẻ sẻ chia cũng nhẹ nhàng và thấm đẫm tính nhân văn, trong đó cái tôi và cái riêng được đề cao hơn trước. Đó là lý do tại sao dòng sách dịch “món súp cho tâm hồn” lại được yêu mến đến vậy, trong khi sách vở đạo đức trong nhà trường không đủ khả năng lay động được giới trẻ vì quá khô cứng.
Một thế hệ mới cần có những giá trị sống mới nhưng đồng nghĩa với nó là những va chạm và đổ vỡ với chuẩn mực cũ. Nói như vậy không phải để cho rằng những hình tượng như người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản không cần thiết đối với thế hệ trẻ, nhưng để truyền được cảm hứng cho giới trẻ cần ý thức được rằng hình mẫu sống và giá trị sống hôm nay đang có sự thay đổi rõ rệt.
Định hình được giá trị sống cho một thế hệ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Những giá trị nào sẽ được giữ lại, những giá trị nào cần thay thế, và những đổi thay nào được chấp nhận. Đó sẽ là một bài toán đặt ra cho nhà trường và xã hội.
Bản thân cách tiếp cận về giáo dục giá trị sống cũng rất cần thay đổi. Người viết thường nghĩ tới sự khác biệt giữa cách làm phim hoạt hình của Việt Nam và phương Tây. Phim hoạt hình nước ta có rất nhiều câu dạy đạo đức, nhưng xem xong là quên. Phim hoạt hình phương Tây ít khi giảng giải đạo đức, nhưng xem xong luôn đọng lại những giá trị thanh khiết và cao đẹp của cuộc sống dành cho cả trẻ em và người lới
Song trên hết, người viết tin rằng để có một thế hệ trẻ sống sâu sắc hơn và sống đẹp hơn, những gì cũng ta làm hôm nay phải là gây dựng lòng tin ở các em, không thể để nó băng hoại. Sự tự do và niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống- hai yếu tố quan trọng nhất giúp con người hướng thiện sâu sắc. Nếu coi sự xuất hiện của Nick như một con cá, thì hai yếu tố trên mới là chiếc cần câu. Nick giúp chúng ta thổi lên một ngọn lửa nhưng giữ được ngọn lửa đó và thổi bùng nó lên được hay không lại là do chính chúng ta.
Duy Khương