Anh Huy* đánh con xe đến quán karaoke đường Trương Công Định sau chầu nhậu tí bỉ với bạn bè như mọi lần.
Nay cũng là ngày giữa tuần nên đường phố cũng yên bình hẳn, toàn dân Vũng Tàu thảnh thơi đi ngoài đường. Bên này hết chỗ để nên nhân viên tận tình dẫn lối cho anh băng qua đỗ trước quán cà phê đối diện.
Mọi người đang chạy xe máy, thấy anh qua đường nên cũng giảm ga mà dừng lại, lịch sự nhường anh. Huy mỉm cười, thầm cảm ơn mọi người, thầm cảm ơn mảnh đất tuyệt vời với núi với biển, trong lành mát mẻ, nơi đây đã sinh ra những con người hiền lành, chất phát, đến cả đi xe cũng chờ nhau tí một.
Nhiều lúc anh cứ ngỡ ở thành phố của mình mà như đang sống giữa lòng Nhật Bản, chứ ko phải nơi xô bồ như Hà Nội hay TP.HCM. Chỉ tiếc nguồn thu từ dầu khí, đầu tàu của cả nước, mà nó di tản đâu hết. Chứ không là nó còn hoành tráng gấp mấy lần Sài Gòn, không chỉ là mấy trăm hecta trung tâm hành chính hiện đại ở tít trên Bà Rịa đâu.
Trong không gian yên bình, thoảng chút tiếng xe hạ hơi ga, chợt tiếng chuông leng keng. Tiếng chuông quen thuộc trong ký ức tuổi thơ chợt vang lên. “À! tiếng chuông xe đạp đây mà!” – giọng nói trong đầu anh cất lên. Rồi bao cảm xúc trong tích tắc bất chợt ùa về.
Cái tiếng xe đạp thân thương ấy, đã lâu rồi anh không còn nghe nữa. Lâu lắm rồi, từ thuở cởi truồng tắm mưa, đá bóng ngoài đường, hay đi học trên những con đường đất gồ ghề, chưa có vỉa hè, chứ chưa dc trải nhựa thẳng băng toàn bộ như bây giờ. Những chiếc xe đạp cứ thế lọc cọc lọc cọc đi qua, lũ trẻ nghe tiếng mà nép vào lề tránh.
Huy nhớ nhất lúc nhà lần đầu tiên dành dụm đủ tiền mua dc chiếc xe cho cả nhà đi, 2 anh em nhà nó ham lắm. Thằng Đức*, anh thằng Huy, lớn mà chẳng nhường thằng em, cứ tranh cái xe đi khoe khắp xóm, mặc kệ thằng em gào khóc khản cả cổ trong cái sự háo hức để được lần đầu tiên mong tập đi được cái xe đó.
Rồi cái ngày Huy cua được nhỏ Linh* nhờ có cái xe đạp, và chia tay cũng chính là lần cuối được nghe tiếng chuông xe đạp.
Nhớ lần đầu đi học về thấy nhỏ tội nghiệp, đi bộ nhà xa mà kéo nhỏ lên, và tự gánh trách nhiệm đưa đi đón về. Nhờ vậy mà 2 trái tim tuổi gà bông lần đầu loạn nhịp rồi đập chung với nhau, lọc cọc qua những con đường đất đá gồ ghề đến trường..
Quãng thời gian hạnh phúc ấy dần trôi mau theo những phát triển của cuộc sống. Mọi con đường được trải nhựa thẳng tắp, xe máy cũng đông dần lên còn chiếc xe đạp của Huy đã cũ kỹ.
Lần cuối Huy đạp chiếc xe đạp đến nhà đưa đón như thường lệ, thì đã có chiếc SH chờ sẵn và nhỏ Linh bước lên, ngồi sau người khác. Huy nuốt nước mắt vào tim và mỉm cười quay xe đi, rung nhẹ mấy hồi chuông trên chiếc xe đạp đã cũ, thay cho lời ly biệt một ký ức đã từng rất đẹp.
Tiếng chuông ấy cứ văng vẳng bên tai từ dạo ấy lại chính là động lực để Huy có được ngày hôm nay. Nhìn lại quãng thời gian ấy, Huy lại thầm cảm ơn tất cả.
Nhiều khi không có tiếng chuông ấy và những con người ấy, chắc anh chỉ mãi chìm đắm trong cái tư duy “1 túp lều tranh 2 trái tim vàng” như nhiều người. Để mà cứ như gia đình anh Thái, chị Lan bảo vệ, lao công của công ty anh an phận với cuộc sống, trong khi mọi thứ xung quanh cứ vùn vụt phát triển, bỏ tất cả mọi thứ lạc hậu về phía sau.
Miên man trong suy nghĩ chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng tiếng chuông quen thuộc cứ ngày một lớn dần, phá tan mọi cảm xúc hạnh phúc đang hiện diện mà kéo anh trở lại với thực tại.
Một bóng tim tím bất chợt lướt nhanh đến trước đầu xe Huy. Anh giật mình, theo phản xạ của mấy năm kinh nghiệm làm lái xe, anh nhả chân ga, đạp nhẹ chân thắng.
Cụ Thắng với chiếc áo tím trên chiếc xe đạp cào cào tự tin rung mạnh chuông và lướt qua, khiến cho thành phần trẻ trâu như anh Hiếu chạy xe máy ngay phía sau còn phải thán phục. Anh Hiếu chỉ dám dừng lại, và cũng như anh Huy, giương mắt trân trân nhìn cụ, lòng không khỏi thán phục và có chút ngưỡng mộ.
Cũng may là xung quanh xe dừng lại hết và anh Huy cũng chỉ chầm chậm qua với tốc độ <5km/h, không đánh mạnh tay lái qua đường ào ào như những thành phần xe hơi vội vã khác, nhất là cánh taxi.
Chờ cụ đi qua hẳn và anh Huy đến được nơi đỗ xe cuối cùng, anh Hiếu mới vít nhẹ tay ga thầm hi vọng đừng đuổi kịp cụ. Nhưng nào đâu 2s đã được thấy cụ rõ hơn.
Trông cụ đạp xe hùng hục, mỗi bước đạp chân xuống là xe lạng nhẹ qua một bên, còn tay rung chuông to rõ thế kia, đến cả các thanh niên choai choai chạy chaly, xe độ đánh võng ngoài đường còn phải quỳ mọp xuống bái chân nhân.
Bảo sao thời trẻ các cụ đánh cho tụi giặc nó vũ trang đến tận háng thế kia còn phải thốn mà chạy rớt cả máy bay. Cụ mà bằng tuổi các cháu là cụ cân cả thế giới. Giới trẻ nay còn kém lắm.
Hóa ra các cụ xưa nói chẳng sai. Thời đại có đổi, nhưng các cu của các cậu .. Ý nhầm.. Các câu của các cụ đếch bao giờ sai được. Nhất là câu “Chân nhân bất lộ tướng”, giờ mới thấy thấm thía.
Mấy năm nay dân mạng đồn ầm lên về đoàn quân gây khiếp đảm xa lộ, lại còn chế ra bài hát ‘Đội quân Ú Òa' gồm PKL, phịch thủ, ninja lead cho đến tuổi nhỏ nhất là xe đạp điện mà không ai nhớ đến các cụ “nhất hướng” đạp xe đạp
(Tức là theo triết lý đường này của tổ tiên để lại, chứ không phải của bố mẹ mình như các cháu thanh thiếu nhi trong đoàn quân – chứ không có ý xúc phạm những người đạp xe đạp có ý thức)
Thế cho nên bảo sao nhìn đoàn quân ấy chỉ biết cười cho vào mặt chúng nó, mà khi thấy cụ mà ngưỡng mộ rớt cả hàm.
Anh Hiếu mà không bất ngờ thì đã ghi lại hình ảnh cụ để khoe các “con cháu”, và đăng mạng sống ảo, giáo huấn các bậc thanh niên phải abcxyz noi gương như cụ, là chuẩn bài rồi. Anh đành chụp tạm tấm hình ngay ngã tư, cách chỗ vừa đi qua mấy trăm mét để làm có cái hình đại diện.
(*) anh Huy, anh Đức, nhỏ Linh, cụ Thắng là ai anh Hiếu không quen.
Anh Hiếu đi về thấy cảnh nên noted lại câu chuyện trên và nằm gõ lại trên chiếc note8 thân thuộc mỏi tay thí mợ.
Vốn là truyện dựa trên sự thật và liên hệ thêm từ vốn sống của tác giả
Tác giả Hiếu Xuân Phạm