Hôm trước có bạn đăng ký bài test bức tường lửa, thì bạn có thắc mắc: “Em được phụ trách lên chiến lược cho một shop nhỏ thời trang mà em không biết bắt đầu từ đâu và như nào?” Anh chỉ em với.”
Mình thấy đây cũng là một câu hỏi rất hay và cần thiết cho những bạn đang theo đuổi ngành MKT, đặc biệt MKT Strategist cần phải nắm thật rõ.
Để có thể lên một bản kế hoạch chiến lược MKT không phải dễ đặc biệt với các bạn mới, trong nhiều năm làm MKT được học mót nhiều anh chị đi trước, đọc sách và cũng có một số đúc kết của riêng mình thì mình đúc kết được một số góc nhìn cá nhân, các bạn có thể tham khảo và bổ sung vào những gì mình còn thiếu nếu thấy hợp lý.
Chỗ nào không ĐÚNG thì mong các ACEs con sen góp ý, ném đá nhẹ nhàng mình xin rút kinh nghiệm và hoàn thiện thêm.
1. NGUỒN LỰC – NỀN TẢNG DOANH NGHIỆP
Ông cha ta có câu :”biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng” Đây là một đúc kết quan trọng mà mình nhận thấy qua bao nhiêu đời nay vẫn là một chân lý. Đúng nhận sai cãi!
Vậy nên, để làm một bản kế hoạch chiến lược MKT thì chúng ta không thể thiếu mục “Nguồn lực của doanh nghiệp” được.
Vậy làm sao để hoạch định được nguồn lực doanh nghiệp?
Bạn có thể tham khảo các câu hỏi sau đây:
- Doanh nghiệp chúng ta có thế mạnh về điều gì? Thế mạnh đó so với đối thủ trong ngành liệu có khác biệt?
- Doanh nghiệp hiện tại có nguồn lực về MKT ra sao? TIền, con người, đối tác, các nền tảng online – Offline vv…
- Doanh nghiệp nên củng cố điều gì để có tiếp tục phát triển vững chắc?
Đây là các câu hỏi bạn có thể tham khảo để có thể đưa ra cho mình được đáp án chính xác. Nói thì dễ như vậy thôi, nhưng để hoạch định nền tảng doanh nghiệp sắc nét và rõ ràng thì không chỉ ngày một ngày hai, không chỉ một mình bạn có thể làm được.
Cần phải có sự hợp tác, thảo luận của tất cả các anh chị em chủ chốt có doanh nghiệp để có thể ĐƯA CHÍNH XÁC CÂU TRẢ LỜI.
Vậy điều gì xảy ra nếu trong bản kế hoạch không có bước “hoạch định nền tảng”?
Đây là sai lầm cơ bản của nhiều bạn làm chiến lược – Người đời hay gọi là “Ảo tưởng sức mạnh”. Năng lực thì có hạn, mà mục tiêu, định hướng, khát vọng thì cao ngất ngưởng. Dẫn đến bản kế hoạch chỉ là một bản vẽ không hơn không kém.
Mà bánh vẽ thì ai cũng ngán đến tận cổ rồi.
2. NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG
Mình thì không thích dùng từ NGHIÊN CỨU ĐỐI THỦ, mà thích dùng từ CÁC BÊN hơn, người ta nói : “Buôn có bạn, bán có phường” cũng để chỉ những người đang cùng nghề của mình không hẳn ở trong vị thế thù địch mà có thể là đối tác và đồng đội của chúng ta trong tương lai thì sao.
Vậy nên mình sẽ dụng từ “Các bên”trong bài viết này nhé.
BIẾT MÌNH thì cũng cần BIẾT TA. Không thể lên kế hoạch định hướng MKT mà bạn lờ mờ hoặc chẳng hiểu gì về CÁC BÊN như thế nào, phải không? Điều đó cũng thật sự nguy hiểm.
Ngày trước, khi làm ở công ty điện thoại, mình được giao làm kế hoạch chiến dịch sắp tới cho doanh nghiệp vào ngày QUÂN ĐỘI VIỆT NAM 22/12, mình lên xong xuôi tất cả kế hoạch chi tiết tỉ mỉ nhưng khi trình bày với ban giám đốc thì được hỏi: “Em có biết bên A đang làm gì không?” Và gạt ngay kế hoạch của mình ngay từ đầu. Mình hoàn toàn ngỡ ngàng, và bị sốc. Sau đó, về tìm hiểu bên A mới thấy họ đang chạy đúng ý tưởng của mình đang chuẩn bị triển khai. Và làm tốt hơn kế hoạch của mình rất nhiều.
Đây là một bài học mà mình nhớ mãi. Vậy nên việc nắm rõ các bên sẽ giúp các bạn hiểu được những gì mình chuẩn bị làm có đang ĐI SAU hay ĐI TRƯỚC với các bên đang có trên thị trường. Từ đó, tránh được những sai lầm hết sức ngớ ngẩn.
Vậy nghiên cứu các bên chúng ta cần phải nghiên cứu những gì?
Mình có lead câu hỏi dành cho các bạn tham khảo đây:
- Giá trung bình(Mức giá giao động) mà doanh nghiệp đang xây dựng là bao nhiêu?
- Sản phẩm chủ đạo của họ là gì? Định vị truyền thông doanh nghiệp ra sao?
- Nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp như thế nào?
- Tệp khách hàng đầu bảng doanh nghiệp đang hướng tới?
- Phương thức tiếp cận doanh nghiệp sử dụng là gì?
- Phục vụ trước – trong – sau của doanh nghiệp như thế nào?
Ngoài ra chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm về nhu cầu hiện tại, và xu hướng thị trường:
- Hiện tại, ngành nghề đang ở trong giai đoạn như nào?
- Xu hướng phát triển ngành nghề ra sao?
- Các nhu cầu đang được phát sinh?
- Những gì trong ngành mọi người đang hưởng ứng?
- Những gì trong ngành nên tránh trong thời điểm hiện tại?
Và chắc hẳn mỗi MKT Strategist sẽ có những câu hỏi khác nhau để tìm kiếm thông tin mà mình mong muốn. Tùy thuộc vào mục tiêu của mỗi người.
Vậy câu hỏi đặt ra làm sao để có thể tìm hiểu những thông tin đó.
Đơn giản thôi: Hãy đóng vai một khách hàng đang thực sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm.
Alright!
Làm như vậy bạn có thể dễ dàng biết được tất cả những gì mà doanh nghiệp các bên đang làm, và nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu của mình.
Làm MKT Strategist cần phải mặt dày một chút, và không ngại giao tiếp thì mới có thể tiến xa được. Hãy tập cách đóng vai.
Nếu sản phẩm có tiền hãy thể hiện mình là người có tiền, hoặc người thân của họ.
Nếu sản phẩm dành cho người trẻ trung hãy thể hiện mình cũng style không kém.
Nếu sản phẩm dành cho trẻ nhỏ thì mình cũng cần phải đóng vai người chị, người em, cha -mẹ gì đó
Nói vừa vui vừa thật, thì làm MKT Strategist cũng cần phải có chút nghiệp vụ diễn viên thì mới có thể có được nhiều thông tin hữu ích được.
Hãy chuẩn bị một VAI DIỄN THẬT TỐT cùng một danh sách câu hỏi để khảo sát trước khi đến chiến trường bạn nhé.
3. HOẠCH ĐỊNH ĐỊNH HƯỚNG
Sau khi nắm rõ được những thông tin quan trọng ở trên, chúng ta có thể hoạch định CÁC ĐỊNH HƯỚNG cho doanh nghiệp có thể đi?
Tại sao ở đây mình dùng CÁC ĐỊNH HƯỚNG vì…
Điều thứ nhất, khi bạn chỉ có một hướng đi duy nhất thì chúng ta có xu hướng thiên lệch về hướng đó, dẫn dễ mang những quan niệm chủ quan, và thành kiến về định hướng đó nên có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Điều đó không tốt chút nào trong chiến lược.
Điều thứ hai, liên quan đến mục HOẠCH ĐỊNH KHÓ KHĂN VÀ CƠ HỘI song hành với các định hướng khác nhau. Khi đó ta dễ dàng cân nhắc doanh nghiệp chúng ta nên lựa chọn con đường nào phù hợp.
Vậy hoạch định định hướng MKT cho doanh nghiệp, cần phải trả lời những câu hỏi nào?
Mình cũng có một lead các câu hỏi để bạn tham khảo nhé! (Lưu ý: Mình chuyên làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp nên sẽ đi sâu vào các khía cạnh này, các bạn có thể tham khảo thêm thôi nhé)
- Khách hàng đầu bảng(khách hàng trung thành) doanh nghiệp đang hướng tới là ai?
- Nhu cầu cấp thiết cần giải quyết cho khách hàng đó là gì?
- Hiện tại với nhu cầu đó? Các bên đang có phương án ra sao?
- Chúng ta có thể làm tốt nhất để giải quyết nhu cầu đó cho KH đầu bảng?
- Hệ sinh thái sản phẩm chủ đạo là gì?
- LVC khách hàng theo chu kì là bao nhiêu?
- Doanh nghiệp có tiềm năng phát triển như thế nào?
Vậy đó, để đưa ra định hướng không hề đơn giản? Chúng ta cần đặt ra hàng loạt những CÂU HỎI và trả lời rõ ràng từng câu hỏi đó.
Điều này, cần khả năng phân tích, tổng hợp và lập giả thuyết tốt của một MKT Strategist dựa trên sự thu thập những thông tin quan trọng ở trên.
Nên một trong những sai lầm nghiêm trọng các bạn MKT Strategist cần phải tránh đó là: Sự hời hợt trong việc thu thập thông tin. Thông tin không đủ dẫn đến định hướng sai lầm là một trong những lỗi cơ bản mà nhiều bạn lên plan hay gặp phải nhiều nhất.
Hãy chuẩn bị kỹ càng các thông tin các bạn nhé.
4. ĐẶT MỤC TIÊU VÀ SẮP XẾP LỘ TRÌNH.
Sau khi hoạch định định hướng rõ ràng. Tiếp theo đó, chúng ta cần phải đặt MỤC TIÊU cho ĐỊNH HƯỚNG đó.
Một định hướng mà không có mục tiêu thì giống như một con thỏ chạy nhanh đến mấy, nhưng mải mê rong chơi cũng không thể đi đến đích được.
Mục tiêu gồm: Mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trung hạn, mục tiêu dài hạn.
Đưa ra mục tiêu thì cũng chẳng có gì khó, khó ở chỗ làm sao để đưa ra mục tiêu phù hợp với năng lực doanh nghiệp.
- Không quá cao dẫn đến gây áp lực quá lớn cho đội ngũ?
- Không quá thấp dẫn đến sự chủ quan, tự tin thái quá?
- Và làm sao đưa ra các mục tiêu có sự liên kết chặt chẽ với nhau?
Mục tiêu trong giai đoạn này kết nối với mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo, tránh trường hợp mỗi giai đoạn đi một kiểu rồi chẳng đâu vào đâu cả.
Điều này cũng chẳng dễ dàng gì, cần khả năng tư duy logic, lập luận chặt chẽ, khả năng sắp xếp, dự đoán của MKT Strategist làm sao cho phù hợp.
Tham khảo thêm nhiều thành viên chủ chốt trong đội, và cùng nhau đưa ra những MỤC TIÊU hợp lý.
Sau đó, chúng ta cần sắp xếp LỘ TRÌNH. Lộ trình là con đường thực hiện mục tiêu.
Vậy cần làm những gì để thực hiện mục tiêu?
Đây là sự khác biệt cốt lõi của một người MKT Strategist thực thụ với những bạn mới vào nghề, hay bạn chỉ có lý thuyết là nhiều…
Lộ trình thể hiện chính xác những hành động thực tế cụ thể để bạn có thể thực hiện mục tiêu của mình.
Đưa ra từng công việc cụ thể cho đội nhóm.
Đưa ra KPI cho từng thành viên trong đội, và cả đội nhóm.
Đưa ra những phương pháp để hoàn thiện các công việc có trong đội
Giải quyết những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện mục tiêu
Đó đều là những kỹ năng thực chiến của MKT Strategist hay các trưởng nhóm, trưởng phòng trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình.
Và điều đó, đòi hỏi các MKT Strategist không chỉ biết ngồi một chỗ lên kế hoạch mà còn cần phải trực tiếp trải qua những công việc hiện có trong MKT không ít thì nhiều, để dễ dàng đưa ra giải pháp khi gặp những vấn đề phát sinh.
Nên các bạn mong muốn trở thành MKT Strategist thì lời khuyên dành cho các bạn mới nên bắt đầu từ MKT Full Stack – Với vị trí này, bạn vừa có thể lên kế hoạch cho doanh nghiệp và quan trọng hơn, tự mình đứng lên để thực hiện kế hoạch của mình.
Công việc này tuy vất vả, và đa phần cũng không có được nhiều lợi ích vì những công ty tuyển theo hình thức MKT Full Stack thường có nguồn lực hạn chế nên cũng không thể trả xứng đáng với những gì bạn đảm nhận.
Nhưng đó là điều bạn bắt buộc phải làm nếu mong muốn trở thành MKT Strategist.
Quay trở lại, lên lộ trình chi tiết rõ ràng nhiệm vụ từng thành viên, và mục tiêu cho từng thành viên đòi hỏi khả năng phân rã của một người làm MKT Strategist hay một trưởng nhóm. Và việc này, không phải cứ nói là làm được mà cần các bạn thực hành nhiều hơn.
5. Lập kế hoạch tài chính CCSC.
Tiếp theo đó, các bạn cần phải lập kế hoạch tài chính. Nói nôm na, để thực hiện định hướng của bạn cần NGUỒN LỰC như nào!
- Nguồn lực về thời gian, tiền bạc, con người
- Mục tiêu đạt được: MIN – MAX trong từng giai đoạn
- Rủi ro khi thực hiện nếu thất bại sẽ như nào?
Tất cả đều cần phải thật chỉnh chu, có số liệu cụ thể rõ ràng. Với các chủ doanh nghiệp thì đây là phần họ quan tâm nhiều nhất, khi nhìn số liệu của bạn, các anh chị có thể nhận định 80-90%
Dự án này có khả thi hay không? Có nên đánh đổi hay dẹp ngay từ đầu?
Các anh chị làm chủ là những người rất NHẠY BÉN các con số. Khi có số liệu, họ dễ dàng biết được mình cần phải làm gì.
Nên các bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ để đưa ra các số phù hợp được đưa ra dựa trên tính logic chặt chẽ, khả năng dự đoán, và kinh nghiệm thực chiến qua từng dự án của các bạn.
Một người làm MKT Strategist có thuyết phục thành công kế hoạch của mình hay không là phụ thuộc chủ yếu trong mục này của bản kế hoạch.
6. Kế hoạch thử nghiệm
Mọi thứ chúng ta hoạch định từ trước đến nay gồm:
- NGUỒN LỰC DOANH NGHIỆP
- NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG
- ĐƯA RA ĐỊNH HƯỚNG
- XÂY DỰNG MỤC TIÊU
- HOẠCH ĐỊNH LỘ TRÌNH
- KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH
Woa, dù rất chi tiết tỉ mỉ… Nhưng tất cả chỉ là TRÊN GIẤY mà thôi, vậy nên dù kế hoạch bạn có tiềm năng LỚN đến đâu cũng chỉ thuyết phục được cùng lắm 40% hay vượt mức 60% niềm tin của chủ doanh nghiệp mà thôi.
Vậy làm sao để có thể chiếm trọn 100% niềm tin tuyệt đối của chủ doanh nghiệp về kế hoạch của mình? Đó là bạn phải có quá trình TEST!
Quá trình này bạn sử dụng một nguồn lực vô cùng nhỏ so với kế hoạch tổng thể để thử nghiệm các giả thuyết, ý tưởng và chiến lược bạn đã đề ra trong kế hoạch.
Quá trình thử nghiệm giúp bạn:
- Kiểm tra tính khả thi của kế hoạch
- Đánh giá hiệu quả của các chiến lược đề xuất
- Điều chỉnh và tối ưu hóa kế hoạch dựa trên dữ liệu thực tế
Quá trình này không chỉ giúp bạn thuyết phục chủ doanh nghiệp mà còn giúp bạn tự tin hơn vào kế hoạch của mình, bởi bạn đã có bằng chứng thực tế chứng minh tính khả thi của nó.
Hãy nhớ rằng, một MKT Strategist giỏi không chỉ biết lập kế hoạch mà còn biết cách kiểm chứng và điều chỉnh kế hoạch đó dựa trên thực tế.