Bức ảnh ông chủ Facebook Mark Zukerberg bước đi với gương mặt mỉm cười trong khán phòng triển lãm, tất cả người xem đều đang đeo một thiết bị thực tế ảo, như đắm chìm vào một thế giới không liên quan.
Đó có phải là tương lai mà con người đã lựa chọn?
Lăm lăm màn hình trong tay
Trong một show diễn âm nhạc lớn, khi chàng ca sĩ điển trai vừa bước lên sân khấu, đám đông khán giả dồn về phía sân khấu. Chỉ khác một show diễn ngày xưa một điểm: Họ đang vây lấy anh bằng những màn hình sáng lấp lánh trong đêm.
Đã thưa vắng những cánh tay giơ lên lắc lư theo điệu nhạc, dù người xem vẫn đứng chật cứng bên dưới. Đã không còn những thân thể trẻ trung muốn căng mình ra hết sức với âm nhạc, bởi ai cũng bận.
Người xem lăm lăm trong tay chiếc smartphone màn hình lớn, bận bịu kéo zoom (phóng to) để nhìn rõ mặt ca sĩ, bấm nút quay phim, và kiên trì giữ chiếc điện thoại vững trong vài phút.
Cô gái đứng trước tôi có vẻ là fan cuồng của ca sĩ, cô mặc chiếc áo có in hình anh. Sau khi quay xong đoạn clip dài, cô chuyển qua màn hình của Twitter, và tiếp tục quay 30 giây, vội vàng gõ vài câu và đăng lên mạng.
Xung quanh đó, hàng trăm chiếc màn hình điện thoại khác cũng đang sáng như nến, kiên trì quay lại cảnh chàng ca sĩ hát. Ba cô gái với ba chiếc máy ảnh lớn cũng rút máy ra sau khi quay bằng điện thoại, zoom cận cảnh mặt anh chàng với ống kính lớn và tiếp tục… giữ máy quay.
Họ bàn luận về việc tay chơi trống có vẻ hay nhưng chỉ bằng cách nhìn qua màn hình chiếc máy ảnh của mình.
Bạn đã bao giờ bắt gặp cảnh như vậy trong những show diễn âm nhạc, trình diễn, các đêm nghệ thuật, hay tại một bảo tàng?
Trước đây, vì hình ảnh trên TV hay những bản nhạc mp3 không đủ sức thoả mãn cảm giác thưởng thức, người ta sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để đến sân vận động xem một ban nhạc biểu diễn, bước vào phòng hoà nhạc, hoặc cất công đến tận phòng tranh để nhìn tận mắt tác phẩm.
Nhưng với smartphone – nó đã che mờ đi giác quan của người ta.
Smartphone làm người ta sẵn sàng hi sinh khoảnh khắc được “cháy” cùng ca sĩ trên sân khấu, để bình tĩnh rút điện thoại ra quay phim.
Nó làm người ta quên mất lý do mình đến một phòng tranh là để xem từng đường nét thể hiện của hoạ sĩ, mà người ta lăm lăm điện thoại trong tay để chụp lại bức tranh cho rõ nhất, để về đăng lên mình mới đi xem triển lãm.
Nó làm người ta mất đi ý chí lắng nghe từng dòng âm thanh vang lên và chảy vào không gian của họ trong buổi hoà nhạc, người nghe chỉ chăm chú chỉnh góc để quay được đoạn video đẹp nhất để về đăng Facebook
Lý do để trực tiếp xuất hiện giữa một biển người đi nghe nhạc trở nên kỳ lạ: Chúng ta cùng đến đây để quay video về đăng lên mạng.
Ta đã quên mất ý nghĩa tối thượng của việc trực tiếp thưởng thức sự hào hứng ngoài sân vận động, trong khán phòng hoà nhạc hay cảm giác mà nghệ sĩ xuất hiện trực tiếp muốn giao tiếp với ta.Lý do để trực tiếp xuất hiện giữa một biển người đi nghe nhạc trở nên kỳ lạ: Chúng ta cùng đến đây để quay video về đăng lên mạng.
Cảm giác thực đi đâu?
Thay vì ở nhà xem TV, người ta đến sân vận động để “xem nhạc” qua chiếc màn hình LED rộng vài inch. Thay vì cắm headphone nghe nhạc, người ta bước vào khán phòng để vừa xao nhãng bản nhạc, vừa quay được một clip “thần thánh”.
Hàng triệu Megabyte quay mờ nhoè, góc máy rung, phóng lớn hình ảnh cẩu thả, bị nhiễu hạt vì ống kính không đủ chất lượng rồi vẫn sẽ xuất hiện đầy trên mạng, trên những cái status (trạng thái) đậm phong cách sống, trên Instagram trẻ trung, hay trên Vine, Twitter với dòng feed (tin nhắn) chỉ ngự trị vài giây và trôi đi đâu vĩnh viễn.
Hàng triệu Megabyte dữ liệu cẩu thả được ném lên bất cứ đâu giữa cộng đồng, gọi là “nội dung”, giúp người ở nhà tiêu phí thời gian thán phục và bấm like.
Trong khi đó, giữa sân khấu âm thanh hình ảnh hoành tráng, những người xem chỉ mải mê quay, mải mê đắm chìm trong màn hình vài inch, mải mê gõ status chứng minh với thế giới:TÔI ĐANG ĐI NGHE NHẠC ĐÂY!
Không còn sự đồng điệu nào với nghệ sĩ, không còn cả chút tĩnh lặng để tự ngắm nhìn cái đẹp chảy qua cơ thể để có vẻ xứng đáng với việc bạn phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai với cái vé hàng triệu đồng nữa. Smartphone đã thành công!
Tác phẩm nghệ thuật duy nhất mà người ta còn thấy là chính cái điện thoại, chứ không phải một xúc giác, cảm giác, thính giác hay thị giác nào khác bên ngoài màn hình LED sáng nhấp nháy trong đêm
Một khảo sát đối với thanh niên về mức độ dùng điện thoại di động tại các buổi trình diễn nhạc sống thực hiện bởi Ticketfly cho thấy 31% thanh thiếu niên tuổi từ 18-34 thừa nhận dùng smartphone trong suốt nửa thời lượng hoặc hơn.40% nữ giới 18-34 tuổi dùng smartphone chụp ảnh tại các sự kiện âm nhạc, và con số này cho nam giới là 24%. Con số chia sẻ ngay lên mạng xã hội cũng tương tự với 35% nữ giới và 22% cho nam.
Một người bạn tôi hỏi: Cậu nghĩ sẽ có bao nhiêu Megabyte đêm nay thực sự trở thành một cái gì đó cho ra hồn? Hay đa số rồi cũng sẽ bị bấm nút xoá sau khi điện thoại hết bộ nhớ?
Phải, chúng ta sẽ xoá hết khi bộ nhớ điện thoại đầy và thứ còn lại đằng sau những buổi biểu diễn trở nên vô nghĩa.
Nếu đến với đêm nhạc trong một tâm thế không có điện thoại, dù chẳng lưu được video, hình ảnh nào, người xem vẫn giữ được cảm giác đã xảy ra tại đó, âm thanh, tiếng hò hét phấn khích, những cậu trai lao lên phía sân khấu, mùi của mồ hôi, đám đông, tiếng hát ca sĩ, mùi khói từ sân khấu lan ra… Và buổi diễn trở thành một ký ức có thật được “chụp” lại trong tâm trí người xem hơn là bức ảnh “vô hồn” nhanh trôi vào quên lãng.
Nhưng giờ đây, vì giữ điện thoại cho vững và mỏi tay quá, người xem đứng im như trời trồng, say mê nhìn qua chiếc màn hình bé xíu.
Và tương lai của bức hình kỳ cục Mark Zukerberg tung lên hôm qua trở thành một hiện thực thật rõ nét: Con người đã bắt đầu từ chối thế giới thực và những cảm giác thật.
Để tạo ra hàng triệu Megabyte vô nghĩa nào đó, rồi xoá đi.