Chương 3 Black Myth: Wukong – Dạ sinh bạch lộ, ôm trọn tầng tầng lớp lớp của nội dung cực kỳ đồ sộ với đầy ý nghĩa sâu sắc, những bài học nhân sinh và triết lý uyên thâm mà chưa bao giờ cũ. Nếu như Chương 2 – Phong khởi hoàng hôn gợi lên một bối cảnh hoặc tình huống trong câu chuyện nơi sự thay đổi hoặc cao trào xảy ra vào lúc hoàng hôn, khi gió bắt đầu thổi, tạo ra một không khí đầy kịch tính và bí ẩn.
Thì 夜生白露 – Sương Trắng đọng trong đêm gợi lên hình ảnh của sự tĩnh lặng và bí ẩn của đêm, khi những giọt sương trắng bắt đầu hình thành. Điều này có thể ám chỉ một giai đoạn trong câu chuyện nơi những điều bí ẩn hoặc những sự kiện quan trọng diễn ra trong bóng tối, tạo ra một bầu không khí huyền bí và đầy bất ngờ. Nội riêng 2 khái niệm sự tinh khiết của sương, đối nghịch với màn đêm u tối, trong khi sương nằm trong màn đêm cũng đã phần nào cho ta cảm giác một sự đối nghịch rồi.
Câu chuyện trong chương 3 của Black Myth: Wukong
Bổi cảnh chương 3 chuyển đến Tiểu Tây Thiên, một địa điểm từng xuất hiện trong nguyên tác Tây Du Ký. Nơi này là một hang động với rất nhiều tượng, nhưng chưa rõ đây là tượng của các vị thần tiên phương nào. Lúc đầu, mình nghĩ đây là tượng của Nhị Thập Bát Tú (28 chòm sao), nhưng nếu đối chiếu với bối cảnh của chương ba, cuối mà lại để yên cho tượng Nhị Thập Bát Tú ở đây mà không đập phá thì hơi lạ. Phật Di Lặc với hình hài của một đứa trẻ bụng phệ hóa thành một tượng đá nằm đó để theo dõi Thiên Mệnh Nhân. Ông ta cũng sẽ bám theo nhân vật chính trong suốt hành trình còn lại.
Khi bước ra ngoài tuyết trắng, đi được một đoạn tới một nơi đầy những bức tượng đá, thực ra là người bị đông cứng ở đây, Thiên Mệnh Nhân đụng độ với Xích Khao Mã Hầu (Khỉ ngựa đít đỏ), và sau đó là trận chiến boss đầu tiên.
Mình kể sơ qua một chút về con này để các bạn nắm. Nó từng là một con khỉ ở Hoa Quả Sơn. Sau khi Ngộ Không bị giết và ngọn núi bị quân Thiên Đình phá hủy, con khỉ này dẫn đầu một nhóm khỉ bỏ quê hương đi lang thang. Rồi bầy khỉ đổ bệnh, vì thế Xích Khao Mã Hầu, thủ lĩnh bầy khỉ, ra lệnh ném những con bị bệnh xuống núi.
Những con khỉ còn lại sợ hãi và tức giận, liền bỏ rơi nó và đi lang thang. Chúng cốt kiếm sống bằng cách làm xiếc cho con người xem, nhưng thu nhập rất ít và thường xuyên bị đói. Thế là chúng nảy ra một kế giả bộ làm xiếc để thu hút con người, rồi lao vào giết chết họ, cướp lấy mọi thứ và chạy đến thôn làng tiếp theo. Cứ như thế, chúng đi được đến Tiểu Tây Thiên, thấy Xích Khao Mã Hầu đang làm tay sai cho Hoàng Mi Quái ở đây, nên chúng chờ cơ hội trả thù. Xích Khao Mã Hầu đánh không lại Thiên Mệnh Nhân, liền dùng thuấn di chạy mất.
Đi qua Phỉ Sương Đạo, Thiên Mệnh Nhân gặp một con chim mang đầu người, tự xưng là Thổ Địa của Tiểu Tây Thiên. Nó nói rằng chắc ngươi cũng đang đi tìm thứ đó, vậy hãy đi theo ta. Rồi nó biến Thiên Mệnh Nhân thành dơi và dẫn đường bay lên những ngọn núi đầy tuyết trắng, tới một cái miếu giữa hồ. Nó bảo rằng hãy vào đó mà lấy thứ ngươi muốn. Nhìn xuống mặt hồ đóng băng, bên dưới có một thứ gì đó màu vàng rất to lớn đang bơi lội.
Bỗng nhiên, cửa miếu mở ra và Phật Di Lặc đi tới. Ông ta nói rằng lúc con khỉ đó còn sống, chỉ biết đi khắp nơi khóc lóc, cầu xin. Sau khi chết, nó còn để lại họa cho con cháu, khiến cho những hậu duệ như Thiên Mệnh Nhân tự mình dâng mạng đến tận cửa. Điều này dường như ám chỉ rằng trước khi nhân vật chính đến, cũng đã có những chú khỉ khác làm điều tương tự. Phật Di Lặc đưa ra một cái túi và nói rằng cái túi này của ta không chứa nổi nữa rồi. Đó chính là túi Hậu Thiên, nhưng thực ra, Phật Di Lặc này không phải là Phật Di Lặc mà là Hoàng Mi Lão Quái đang giả dạng. Hắn thả một con rồng tên là Cang Kim Long từ trong túi ra và nói rằng hãy thử thách con khỉ này xem nó có xứng đáng làm đệ tử của ta không.
Tới đây, chúng ta sẽ bắt đầu phải quay ngược trở lại với nguyên tác Tây Du Ký để xem Hoàng Mi Lão Quái là ai mà thu phục được vô số yêu quái làm tay chân, và Cang Kim Long là ai mà lại ở trong túi của Phật Di Lặc. Mình xin lưu ý một lần nữa là những gì mình kể được lấy ra từ nguyên tác, chứ không phải từ bản phim truyền hình năm 1986.
Lúc này, bốn thầy trò Đường Tăng đi qua Kinh Cát đến một ngọn núi cao tới chân mây. Trên núi, Đường Tăng thấy một cái chùa lấp ló và tưởng rằng đó là Lôi Âm Tự. Ngộ Không can ngăn, bảo rằng ở đây có mùi yêu khí nên đừng vào. Tam Tạng liền mắng đệ tử của mình xúc phạm Chư Phật, nhất quyết đòi vào bằng được để bái lạy và cầu kinh. Đi vào bên trong, bốn thầy trò nhìn thấy Phật Tổ Như Lai cùng 500 vị La Hán, 3,000 Yết Đế, bốn vị Kim Cang, tám vị Bồ Tát. Tam Tạng cùng Bát Giới, Sa Tăng vội vàng bái lạy, riêng Ngộ Không thì đứng nhìn, chẳng thèm bái lạy. Như Lai trách phạt: “Sao không bái lạy đi, con khỉ kia?” Tôn Hành Giả liền rút gậy lao tới, nhưng chưa kịp đánh thì đã bị một cái kim não khổng lồ úp xuống nhốt vào bên trong. Ba thầy trò còn lại cũng bị bắt nhốt.
Lúc này, bọn yêu quái mới hiện hình, nói rằng chờ ba ngày để Hành Giả tan hết thịt xương thì sẽ ăn thịt Đường Tăng. Ngộ Không ở trong kim não làm đủ mọi cách đều không thể thoát ra được, hết cách rồi mới niệm chú vời các vị thần bảo hộ tôn sư đến, bao gồm Lục Đinh, Lục Giáp, Già Lam và Kim Hầu Yết Đế. Đó đều là những hộ pháp theo trợ Tam Tạng lên Tây Trúc thỉnh kinh. Nhưng các thần cũng không cạy nổi chuông vàng, thế là họ mới bay tới Nam Thiên Môn để gặp Thượng Đế nhờ giúp đỡ. Thượng Đế cử Nhị Thập Bát Tú xuống hì hục mới cả canh giờ vẫn không làm kim não suy chuyển. Cuối cùng, Cang Kim Long, một trong Nhị Thập Bát Tú, dùng hết sức bình sinh chọc được cái sừng xuyên qua kim não để cho Đại Thánh khoan một lỗ vào sừng, biến nhỏ chui vào đó để Cang Kim Long rút ra ngoài.
Ngay lập tức, Ngộ Không tức giận đập một gậy bể đôi kim não, làm náo động yêu quái. Các thần và Nhị Thập Bát Tú vội ra ngoài bỏ chạy, chúa yêu liền đuổi theo. Ngay lập tức, Ngộ Không đối đầu Tôn Hành Giả tỉ thí phân tài cao thấp. Y tự xưng là Hoàng Mi Vương, tu ở núi Tây Thiên đã thành Chánh quả, nay thấy bốn thầy trò thỉnh kinh thì muốn thử tài. Nếu giỏi thì vượt qua, còn nếu không qua được, Y sẽ đập chết cả bốn thầy trò rồi lập đoàn thỉnh kinh khác, tự mình lấy kinh về Trung Hoa.
Hoàng Mi Quái đánh với Tôn Hành Giả 54 hiệp không phân thắng bại. Các thần và Nhị Thập Bát Tú thấy vậy cũng xông vào đánh hội đồng. Hoàng Mi liền quăng cái túi Hậu Thiên ở sau lưng ra nhốt tất cả vào trong. Ngộ Không tiếp tục tìm được cách thoát ra ngoài, cứu sư phụ cùng các đồ đệ và các vị thần phò trợ Tam Tạng. Lúc này, Tam Tạng mới hối hận, bảo rằng từ nay sẽ nghe lời Tôn Ngộ Không. Khi dắt ngựa ra ngoài, Tam Tạng mới tiếc gói hành lý trong đó chứa nhiều bảo bối nên quay lại lấy, thế là làm Hoàng Mi thức tỉnh.
Hắn lại đuổi theo, giao chiến mù mịt đất trời. Một mình Hoàng Mi chấp tất cả, vừa đánh vừa cười, rồi lại rút túi Hậu Thiên hút tất cả vào bên trong. Chỉ có Ngộ Không nhanh chân chạy thoát, đứng bất lực vừa nhìn từ xa vừa khóc. Sau đó, Ngộ Không liền tìm đến Bắc Đế nhờ trợ giúp. Bắc Đế sai Ngũ Long Thần, Xà Tướng Quân và Quy Tướng Quân xuống trợ giúp, nhưng đánh được vài hiệp thì cũng bị nhốt vào túi Hậu Thiên. Đại Thánh lại một lần nữa phải chạy nạn. Lần này, Ngộ Không bay tới nhờ Quốc Sư Vương Bồ Tát, một vị tài phép ở Tứ Châu. Ông ấy mới sai đệ tử của mình là Tiểu Trương Thái Tử cùng bốn tướng tới hỗ trợ. Tất cả tiếp tục giao đấu với Hoàng Mi, rồi lại một lần nữa bị hút vào túi. Chỉ có Tôn Hành Giả nhanh chân chạy thoát. Lần này, y thực sự đã sử hết cách rồi, mới ngồi lên núi khóc hu hu.
Lúc này, Phật Di Lặc ở đâu xuất hiện, giải thích cho Ngộ Không về danh tính của Hoàng Mi Lão Quái. Thì ra, hắn là một đứa trẻ có lông mày vàng, được giao trong coi khánh cho Phật. Thế rồi, nhân lúc Phật Di Lặc đi vắng, Hoàng Mi mới trộm kim não và túi Hậu Thiên xuống trần gian để làm loạn. Khi này, Phật Di Lặc mới bày kế hóa thành ông lão bán dưa, biết tính Hoàng Mi thích ăn dưa nên bảo Ngộ Không dụ hắn tới rồi hóa thành trái dưa. Từ đó, Ngộ Không chui vào bụng Hoàng Mi, khiến hắn đau đớn phải xin hàng. Hoàng Mi hiện nguyên hình là đứa trẻ lông mày vàng, Di Lặc liền thu hắn vào túi. Đây là kiếp nạn thứ 53 trong 81 kiếp nạn của thầy trò Tôn Ngộ Không. Phải nói rằng đây là một trong những kiếp nạn nguy hiểm nhất của bốn thầy trò, khi Hoàng Mi Quái tỏ ra vô cùng lợi hại. Tôn Ngộ Không viện binh ba lần vẫn không đánh lại hắn, ngược lại còn bị bắt nhốt hết tất cả. Cuối cùng phải dùng tới kế cũ là chui vào bụng hắn, vốn là cách mà nhiều lần trước đây đã dùng để thắng Hoàng Mi Quái. Nếu đấu tay đôi, Ngộ Không có lẽ không có cửa thắng được hắn.
Quay trở lại với thực tại, Thiên Mệnh Nhân giao chiến một trận sống mái với Cang Kim Long. Con rồng này, như đã nói, là một trong số Nhị Thập Bát Tú từng trợ giúp Đại Thánh ngày xưa, nhưng giờ không hiểu sao lại đi theo Hoàng Mi Quái. Sau khi bị Thiên Mệnh Nhân đánh bại, nó rơi xuống mặt hồ băng, làm thủng một lỗ. Chú khỉ cũng rơi theo, nhảy xuống nước lạnh giá.
Chớp mắt một cái, chú khỉ đã bị Xích Khao Mã Hầu truy đuổi. Chớp mắt cái nữa, Thiên Mệnh Nhân đã bị bắt nhốt vào trong ngục giam của Hoàng Mi Quái. Thoát ra khỏi ngục giam, nhưng chú khỉ của chúng ta vẫn đang nằm giữa muôn trùng yêu quái. Khắp nơi đều là quân của Hoàng Mi. Hắn đã thu nạp vô số tay chân về dưới trướng mình. Tiểu Tây Thiên của hắn kỳ thực không phải là chốn thần tiên cực lạc, mà là mảnh đất của yêu quái, nơi chúng có thể thỏa sức làm loạn, thỏa sức chém giết theo ý mình.
Trong số này, loài quỷ Dạ Xoa là những kẻ khát máu nhất. Một thời gian trước, tộc Dạ Xoa đã bị Thiên Đình đồ sát, một câu chuyện mà chúng ta sẽ được làm rõ trong các chương sau. Những kẻ sống sót trong tộc chạy đến Tiểu Tây Thiên và được Hoàng Mi thu phục, trở thành đồ đệ thân tín của hắn. Một số còn tự nguyện trở thành thầy tu. Chúng hứa với Hoàng Mi Quái rằng sẽ chặt 1,000 cái đầu để thể hiện quyết tâm của mình. Điều đó khiến Hoàng Mi Quái rất hài lòng, nói rằng nếu chúng thực sự làm được điều đó, chúng sẽ được trở thành các La Hán trong Tiểu Lôi Âm Tự. Hắn ta còn khuyến khích họ làm điều này trên chính mảnh đất đang ở, và thế là các Dạ Xoa không ngần ngại giết những người bộ hành qua đường, những người tìm nơi nương náu. Khi hết mục tiêu, chúng chuyển qua giết chính đồng loại và các yêu quái khác. Hoàng Mi đã để cho Tiểu Tây Thiên trở thành một địa ngục thực sự.
Trải qua một hành trình vô cùng khó khăn, đánh hạ vô số tay chân của Hoàng Mi, Thiên Mệnh Nhân mới tìm được đường thoát ra khỏi cõi động. Trên hành trình này, chú khỉ cũng giải cứu được một nam nhân khôi ngô tuấn tú bị nhốt vào trong ngục. Người này đang ở tột cùng nỗi thất vọng. Đây chính là Tiểu Trương Thái Tử, đệ tử của Quốc Sư Vương Bồ Tát ở Tứ Châu, người ngày xưa đã gửi quân trợ giúp Ngộ Không đánh Hoàng Mi. Nhưng chân tướng thực sự của anh ta thì còn thú vị hơn nữa: Đây chính là hoàng tử thứ ba của Lưu Sa Quốc mà chúng ta đã nói trong chương hai.
Sau khi bỏ đi, anh ta tìm tới Quốc Sư Vương Bồ Tát học tập và trở thành người tài năng. Gần đây, Hoàng Mi giả dạng thành Phật Di Lặc, mời Tiểu Trương Thái Tử cùng bốn tướng lĩnh tới nơi này dự tiệc. Sau đó, hắn bắt nhốt họ và hành hạ, khiến cả bốn tướng lĩnh phát điên, trở thành các ma nhân làm tay chân cho hắn. Tiểu Trương Thái Tử phải tự hủy tay mắt của mình để không bị tác động bởi ma ngôn của Hoàng Mi. Thiên Mệnh Nhân có thể giúp y bằng cách tiêu diệt bốn tướng lĩnh giờ đã thành yêu ma để giúp họ siêu thoát. Đây là bốn con boss thuộc loại khó nhất của chương ba. Sau khi hoàn thành, Thiên Mệnh Nhân sẽ giúp họ thoát khỏi sự đọa đày để chuyển kiếp. Nhưng Tiểu Trương Thái Tử vẫn tự nhốt mình trong ngục tối này, không muốn rời đi vì ăn năn với việc đã để anh em bằng hữu rơi vào thảm cảnh.
Sau khi đi tiếp, Thiên Mệnh Nhân gặp lại Đạo Sĩ mang hồ lô, người mà mình chưa có dịp kể cho các bạn. Ông ta đã đi theo nhân vật chính từ chương một, hỗ trợ chú khỉ với chiêu thức thu phục hồn các yêu quái. Câu chuyện của ông ta liên quan đến những con rồng trong game mà nếu có dịp, mình sẽ làm một video riêng. Lúc này, Xích Khao Mã Hầu định làm thịt ông ấy nhưng không được. Thấy Thiên Mệnh Nhân, nó liền lao vào ăn thua đủ. Sau khi bị đánh thua, con khỉ này tiếp tục bỏ chạy. Ngồi uống nước chè với nhau một lát, đạo sĩ dạy cho chú khỉ phép an thân pháp, một cái vòng giống như Ngộ Không ngày xưa đã vẽ ra để bảo vệ sư phụ mình.
Tiếp tục đi đến sườn núi, Thiên Mệnh Nhân nhìn thấy Cang Kim Tinh, nhân dạng người của Cang Kim Long, đang nói chuyện với một ai đó. Họ xưng hô với nhau là huynh muội nên đây là hai người rất thân thiết với nhau. Cang Kim Tinh khuyên người kia hãy đầu hàng đi, kẻo không kịp lại tan thành máu mủ. Người sư huynh đó đang bị nhốt bên trong cái kim não khổng lồ. Đó cũng là thứ ngày xưa đã nhốt Ngộ Không. Vốn nó bị Đại Thánh đập vỡ tan tành rồi, nhưng Phật Di Lặc đã phục hồi nó lại. Bị nhốt trong này một thời gian sẽ tan thành nước, vì thế Cang Kim Tinh đang cố thuyết phục vị huynh đài kia hãy hàng phục Hoàng Mi Quái, nhận hắn làm sư phụ giống như cô ta đã làm để tránh một cái chết thảm. Tức mình, vị sư huynh kia liền tung một chưởng cực mạnh.
Phía trong kim não, nó chẳng bị làm sao, nhưng lại làm thức tỉnh con rùa khổng lồ bên dưới. Hóa ra, họ đang ở trên một đảo nổi trên lưng rùa. Liền đó, Cang Kim Tinh quay lại nhìn thấy Thiên Mệnh Nhân, liền tức thì ra tay. Sau khi bị đánh bại, Cang Kim Tinh liền hóa thành rồng bay đi. Nhưng Thiên Mệnh Nhân nhanh tay bám vào vảy rồng, sau đó đu lên đầu, lấy hết sức bình sinh cho một gậy thật mạnh. Cang Kim Tinh rụng rời tay chân, chấn thương nội tạng, rơi thẳng xuống kim não, nhất thời làm nó vỡ ra làm đôi. Hành động quá tay này của Thiên Mệnh Nhân cũng khiến cho Cang Kim Tinh chết một cách đáng tiếc.
Sau khi kim não vỡ ra, vị huynh đài kia cũng có thể thoát ra ngoài. Hóa ra đó chính là Trư Bát Giới. Hắn ta được Hầu Tôn ở Hoa Quả Sơn nhờ đi giúp Thiên Mệnh Nhân, nhưng xui sao lại bị nhốt vào đây. Bát Giới vẫn còn mồm mép hỗn hào như xưa, thậm chí có phần nóng nảy hơn. Hắn nói rằng hắn khinh bỉ Cang Kim Long vì đã quy phục Hoàng Mi Quái. Tuy nhiên, sự thực là phải có lý do nào đó mà Cang Kim Long mới làm như vậy. Vì ngày xưa, chính cô ta là người can đảm xông ra để cho Đại Thánh đục sừng mình để thoát ra khỏi kim não. Nếu không có cô ấy, có khi Đại Thánh đã tan biến vào trong kim não từ lâu. Vậy mà hậu duệ của Đại Thánh lại phang một gậy khiến Cang Kim Long chết bất đắc kỳ tử như vậy. Bát Giới nói với con rùa khổng lồ rằng sẽ đập cho tên Hoàng Mi một trận, trả thù cho nó và xà huynh đệ.
Như vậy, chúng ta có thể suy ra rằng con rùa này là Quy Tướng Quân, ngày xưa được Bắc Đế cử xuống giúp Ngộ Không cùng với Ngũ Long Thần và Xà Tướng Quân. Như vậy là tất cả ba đạo quân từng được nhờ giúp đỡ đều đã bị Hoàng Mi dẫn dụ tới đây nhằm trả mối thù xưa. Đi dọc bờ biển, bờ đôi khỉ và lợn rừng nhìn thấy một bộ xương rất lớn, được canh giữ bởi Vô Lượng Bức, một yêu quái mang hình dạng tượng dơi vàng với khuôn mặt Đức Phật.
Chỗ này, mình kể rõ một chút về chuyện đã xảy ra ở đây. Sau khi bị Hoàng Mi dẫn dụ tới, Quy Tướng Quân và Xà Tướng Quân đã giao chiến với hắn bên bờ biển này. Rùa và rắn vừa phun nước vừa phun lửa, vô cùng lợi hại. Hoàng Mi không áp chế được, nhưng hắn lại lấy túi Hậu Thiên, gọi ra một con cá vàng mười đuôi từ bên trong. Đó chính là con cá ở trong hồ nước mà chúng ta đã gặp tại cái miếu giữa hồ. Con cá vàng gặp nước thì to lớn vô cùng, quấn chặt lấy Quy Tướng Quân bằng 10 cái đuôi của mình. Sau đó, Hoàng Mi lại gọi yêu quái dơi Vô Lượng Bức ra chiến đấu với Xà Tướng Quân.
Và trong khi trận chiến đang diễn ra, hắn đọc kinh làm cả khu vực đóng băng. Quy Tướng Quân không cưỡng lại được bản năng của mình, chìm xuống ngũ đông dưới lòng hồ, còn Xà Tướng Quân thì bị đóng băng trên bờ. Đó là lý do mà chúng ta thấy cá vàng và dơi quái canh giữ ở vị trí của hai tướng quân này. Sau khi Thiên Mệnh Nhân đánh cho Vô Lượng Bức bỏ chạy, thì Quy Tướng Quân trồi lên, khóc than cho bằng hữu của mình. Họ đều là những cự linh thú, nhưng vì Xà Tướng Quân bị đóng băng, Hoàng Mi thoải mái xẻ thịt.
Thật đáng buồn, cả ba cánh quân đều chịu thảm cảnh với màn trả thù của Hoàng Mi Quái. Cang Kim Long của Nhị Thập Bát Tú thì bị thu phục rồi chết. Nhóm của Tiểu Trương Thái Tử thì đi năm, chết hết bốn người, còn lại sống cũng như chết. Quy và Xà Tướng Quân thì kẻ sống kẻ chết, trong khi Ngũ Long Thần không biết tình hình ra sao, có bị dẫn dụ đến đây hay không.
Tiếp tục đi xung quanh Tiểu Tây Thiên, cả hai vào trong một cái đình và thấy Phật Di Lặc ở đó. Phật nói những câu rất triết lý, đại khái là tâm hướng Phật thì sẽ thấy Phật ở mọi nơi. Phật duyên đã cạn thì vào chùa cũng chẳng ích gì. Vậy hãy đi xung quanh, thấy tượng thì bái. Nếu như có Phật ở trong lòng, Bát Giới thì nhớ lại bài học rằng năm đó, Tam Tạng đã thấy Phật ở Tiểu Lôi Âm thì kiên quyết vào bái, bất chấp lời của Ngộ Không nên mới gặp nạn. Lần này, Bát Giới quyết không mắc sai lầm đó nữa. Bái xong bốn bức tượng, nhưng vẫn không thấy có đường đi nào cả. Bát Giới bực tức gây sự với Phật Di Lặc rồi nói sẽ lên đỉnh của Tiểu Lôi Âm Tự trước. Thực ra thì ý của Di Lặc ở đây là trong lòng mà hướng tới Phật thì thấy tượng là bái thôi, chứ có cần phải có đường đi thì mới bái đâu. Đường vốn nằm sẵn ở đó rồi.
Thiên Mệnh Nhân chui rút trong lòng núi, mới bất ngờ bị tấn công bởi Bất Bạch (不白 nghĩa là “Không Trắng“), kẻ muốn lột da mặt của chú khỉ. Nếu có từ nào sai thì xin các bạn nhắc giúp mình. Cái tên này liên quan đến câu chuyện của y, vốn là một diễn viên chuyên đóng vai hề trong các đoàn kịch. Từ nhỏ, Bất Bạch đã mơ ước được đóng vai anh hùng trên sân khấu. Y luyện tập không biết mệt mỏi, bất kể thời tiết hay sức khỏe. Tuy nhiên, cuối cùng vai anh hùng lại thuộc về người khác, trong khi y trở thành chú hề cho người ta cười nhạo. Y đề nghị đổi vai, tuy nhiên mọi người đều nói rằng y thiếu hào quang chính nghĩa cần thiết cho một anh hùng. Không tin lời họ nói, y đã sắm vai anh hùng mà không báo cho đoàn diễn viên, và đánh người đóng vai anh hùng trên sân khấu. Khán giả vô cùng tức giận, họ phá hủy sân khấu và bỏ đi mà không trả tiền. Trong cơn thịnh nộ, chủ đoàn kịch đã đuổi y ra khỏi nhóm.
Mặc dù đã suy nghĩ rất nhiều, y vẫn không hiểu sao mình lại bị đối xử như vậy. Cuối cùng, y kết luận rằng chính ngoại hình của mình mới là vấn đề. Vì vậy, y giết chết diễn viên anh hùng, lột da mặt của anh ta và đeo nó, hy vọng sẽ thay thế anh ta. Ngày hôm sau, khi đến lúc người anh hùng xuất hiện trên sân khấu, gã hề đổi khuôn mặt của diễn viên anh hùng bước lên phía trước và hát một cách say mê. Ban đầu, khán giả bị lừa, nhưng sau đó họ phát hiện ra và vô cùng kinh hoàng, tin rằng y đã phát điên. Họ trói y lại và đưa đến Tiểu Tây Thiên. Khi nhìn thấy y, Hoàng Mi vô cùng vui mừng, dung nạp y vào và đặt cho cái tên Bất Bạch, bày cho cách dùng độc và băng giá. Ông ta nói rằng một Thiên Mệnh Nhân sẽ đến và y có thể trở thành một anh hùng thực sự nếu lột được da mặt của kẻ đó.
Ngoài ra, trong chương ba còn nhiều yêu quái khác đã được Hoàng Mi thu phục. Chúng đều có câu chuyện riêng nhưng không liên quan lắm đến nội dung chính, nên mình sẽ không kể ra vì rất mất thời gian. Các bạn muốn biết thêm thì có thể tìm đọc câu chuyện của chúng nha.
Tiếp tục trên con đường đến Tiểu Lôi Âm Tự, Thiên Mệnh Nhân gặp một xác người tu hành quấn bộ gia cáo trên vai. Khi đến đó, một giọng nói vang lên. Đó chính là giọng của hồ ly trong câu chuyện ở chương hai mà chúng ta đã biết. Cô ta kể lại nỗi oan ức của mình khi bị thư sinh kia sát hại, rồi ban cho Thiên Mệnh Nhân hình dạng cáo. Nhờ đưa cô ta vào trong Tiểu Lôi Âm Tự, tìm lại người thư sinh kia để hỏi cho ra lẽ. Lưu ý là cái xác ở đây không phải người thư sinh kia mà chỉ là một kẻ vớ vẩn nào đó mà thôi.
Khi vào chùa, Thiên Mệnh Nhân nhận ra người đàn ông năm xưa giờ đây đã là một hòa thượng già, ngày đêm tụng kinh niệm Phật. Ông ta thất kinh khi nhìn thấy hồ ly ngày xưa hiện về. Y nói rằng ngày nào cũng cầu phúc cho linh hồn của hồ ly và sám hối về hành động của mình. Nhưng rồi y sớm thay đổi thái độ, nói rằng cần phải một lần nữa siêu độ cho yêu hồ này. Y chính là Bất Không, một trong những trụ trì phục vụ cho Hoàng Mi Quái lâu đời nhất. Nhưng giờ, y sẽ phải đền tội.
Quay trở lại gặp yêu hồ, cô ta than lên một câu rằng người đời thường nói “người và yêu không chung đường”. Gặp lại hắn ta mới biết người sợ yêu còn đáng sợ hơn yêu quái. Đó là lúc kết thúc câu chuyện của hai nhân vật này ở đây, nhưng không phải là đã hết mà vì nó liên quan chặt chẽ đến toàn bộ nội dung của chương ba. Do đó, ở phần phân tích, mình sẽ nói rõ hơn.
Cuối cùng, bước vào đại điện của Tiểu Lôi Âm Tự, Thiên Mệnh Nhân giáp mặt với Phật Di Lặc. Thực ra, đây chính là Hoàng Mi giả dạng. Hắn kể về quá khứ rất lâu trước đây. Hắn và Kim Thiền Tử, kiếp trước của Tam Tạng, từng là đồng môn với nhau ở núi Linh Sơn bên Tây Thiên. Kim Thiền Tử vốn không thể chịu đựng được cảnh bá tánh dưới chân núi lầm than, trong khi họ ở trên cao hưởng lạc. Hoàng Mi thì cho rằng vốn bản chất của họ khác biệt với thường dân. Sau đó, Kim Thiền Tử phạm giới luật, bị phạt phải nhập vào vòng luân hồi một lần nữa. Hoàng Mi lại khinh miệt, nói rằng Tam Tạng và các đồ đệ đi thỉnh kinh thực ra là một lũ vô dụng, và ngay cả Phật Tổ Như Lai cũng chỉ là một kẻ đáng khinh. Chi bằng hắn tự mình lập ra Tiểu Tây Thiên, tự mình thay thế Phật Tổ.
Rồi hắn hiện nguyên hình và giao chiến với Thiên Mệnh Nhân. Với túi Hậu Thiên trộm được của Phật Di Lặc, Hoàng Mi một lần nữa hút Thiên Mệnh Nhân vào bên trong. Hóa ra, Bát Giới cũng đã bị hút vào đây và đang chiến đấu với Xích Khao Mã Hầu. Cả hai cùng nhau đánh gục nó lần cuối cùng.
Nhưng sau khi thấy Thiên Mệnh Nhân xuống tay với đồng loại, Hoàng Mi Quái đắc ý, bởi vì ác tính của chú khỉ này đã được khai mở. Hắn liền biến Thiên Mệnh Nhân trở thành chính Xích Khao Mã Hầu, hay nói chính xác là khiến cho Thiên Mệnh Nhân trở nên hắc hóa, phục vụ cho hắn ta. Hắn ép nhân vật chính phải đánh hạ Thượng Phật, trong khi bản thân Hoàng Mi liên tục dương dương tự đắc rằng chính hắn đã đúng. Tâm ma của nhân vật chính là bản chất thật sự. Cuối cùng, sau khi bị đánh bại, Hoàng Mi lảo đảo chạy ra ngoài hồ băng, nói rằng sẽ sử dụng bảo vật đó một lần nữa rồi lao đầu xuống nước.
Lúc này, Phật Di Lặc mới xuất hiện, lý giải rằng bởi vì Hoàng Mi nhặt được một trong lục căn của Đại Thánh, liền trộm túi Hậu Thiên của ông và dùng căn khí để biến nó thành vật có thể đoạt lấy hồn phách của thần tiên hay yêu quái. Chính nó đã giúp hắn thu phục được biết bao nhiêu đồ đệ, trong đó có Cang Kim Long, người vốn tới buổi tiệc của Hoàng Mi để tìm một huynh đệ trong Nhị Thập Bát Tú bị mất tích. Cang Kim Long trước khi bị thu phục vốn vô cùng kiên cường, nhưng pháp bảo quá mạnh khiến cô ta cuối cùng cũng quy phục và chịu thảm cảnh. Cũng chính chiếc túi này đã làm Thiên Mệnh Nhân hắc hóa.
Mặc dù không biết Hoàng Mi đã trốn đi đâu, nhưng Phật Di Lặc có thể dùng cần câu để dễ dàng câu con cá vàng dưới hồ lên. Đó là con cá mười đuôi, cũng chính là căn khí của Đại Thánh. Không có gì lạ khi nó có thể đánh bại được cả Quy Tướng Quân.
Từ đây, câu chuyện của chương ba đã được thể hiện, và chúng ta sẽ đến với phần phân tích. Câu chuyện nói về việc những cư dân của một xóm chài nghèo khổ tình cờ đánh lưới được một con rùa khổng lồ. Ban đầu, họ định giết nó, nhưng khi con rùa tự cào lên người, một vết thương không có máu chảy ra mà là vàng bạc châu báu. Họ đã ngừng tay, rồi con rùa ban cho họ biết bao nhiêu bổng lộc, chữa bệnh, băng phát rất đẹp, thức ăn. Thế là con rùa trở thành một vị thần, được người làng tôn sùng, làm lễ dâng thức ăn cho nó, và nó trả lại châu báu. Thế rồi, khi buổi lễ đang diễn ra, một kẻ trong đám đông lóa mắt bởi những thứ quý giá rơi ra từ người con rùa thần, không kềm được ham muốn mà lao lên dùng dao đâm vào nó. Từ đó, muôn vàng châu báu tung ra, rồi sau đó chỉ còn là sự kinh tởm của giống loài người.
Cuối cùng, ngôi làng chỉ còn lại một cõi sơ xác tiêu điều. Con rùa vẫn sống trong xác chết của mình, ngồi bên bờ biển. Kim Thiền Tử đi tới, ngồi bên người sư huynh của mình, chính là hóa thân của Hoàng Mi. Hoàng Mi nói rằng: “Lần này ta lại thắng rồi.” Kim Thiền Tử trả lời: “Hòa loạn nhân tâm, đảo quả vi nhân. Sư huynh chấp nhất thắng thua, vừa đáng cười mà cũng vừa đáng buồn.” Hoàng Mi cười mà nói rằng: “Nếu không thể thắng, còn chứng minh gì nhân quả lòng người?”
Với vai trò kết lại chương ba, câu chuyện về Hoàng Mi và Kim Thiền Tử ẩn chứa một nội dung vô cùng sâu sắc, kết nối lại mọi thứ xảy ra trong chương này. Nhưng để phân tích nó, chúng ta phải quay trở lại câu chuyện ở cuối chương hai. Câu chuyện đó có hai tầng ý nghĩa mà mình đã phân tích cho các bạn. Hai tầng đó liên quan đến nội dung chương hai, do đó nó được đặt ở cuối chương. Nhưng vẫn còn một tầng ý nghĩa khác, sâu hơn, nằm tại chương ba. Đó là lý do mà câu chuyện này được chia làm hai và ở hai nơi khác nhau, bởi vì nó đóng vai trò mở và kết nối đến toàn bộ nội dung của chương ba.
Trong Phật giáo có câu “Nhất niệm thành Phật, nhất niệm thành ma”, có nghĩa là chỉ trong một khoảnh khắc, một ý niệm trong tâm trí có thể dẫn đến sự giác ngộ hoặc có thể dẫn đến sa ngã. Mỗi suy nghĩ, mỗi niệm tưởng mà chúng ta khởi lên đều có khả năng đưa chúng ta đến một con đường khác nhau. Nếu chúng ta duy trì những suy nghĩ tích cực, từ bi và giác ngộ, chúng ta có thể trở thành một người hoàn toàn lương thiện. Ngược lại, nếu chúng ta để cho những suy nghĩ tiêu cực, sân hận hoặc tham lam chiếm lĩnh tâm trí, chúng ta có thể bị lôi kéo vào con đường sai trái, dẫn đến sự đau khổ và lạc lối.
Chàng trai đó chỉ trong một thoáng chốc tưởng như có thể trở thành một người hoàn toàn tốt đẹp khi cứu sống hồ ly, nhưng phút sau chỉ một giấc mộng đã hóa thành kẻ sát sinh. Khổng Tử nói rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng Tuân Tử nói rằng “nhân chi sơ, tính bản ác”. Vậy đâu là điều đúng? Cả hai đều đúng, đó chính là phần đầu tiên mà chúng ta nói đến. Bên trong con người luôn có cả hai phần thiện và ác. Tùy theo môi trường, hoàn cảnh, tâm tính quyết định phần nào sẽ được nuôi lớn.
Sau khi giết chết hồ ly, chàng thư sinh đã hoàn toàn thay đổi. Hắn không phạm vào tội sát sinh nữa, nhưng dù rằng tụng kinh niệm Phật, tâm trí hắn vẫn ám ảnh về điều mà hắn đã làm. Và để cho tâm của mình được yên ổn, hắn một lần nữa tự suy diễn, hay nói đúng hơn là tự biện luận cho hành động của mình rằng hắn đã trừ được một con yêu ma gây họa cho bá tánh. Ý nghĩ đó sẽ giúp hắn an lòng, nhưng điều đó lại khiến hắn phạm vào một trong những giới luật cơ bản nhất của Phật giáo, đó là vô ngã.
Vô ngã là một trong ba pháp ấn của Phật giáo, bao gồm vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ảnh hưởng đến thế giới quan của một người và là chìa khóa dẫn đến sự giác ngộ. Trong đó, vô ngã là trạng thái cuối cùng để trở nên thanh thản và thấu hiểu. Vô ngã nghĩa là không có “ta”. Ý nghĩ cho rằng có “ta”, có “người” chính là vô minh, u tối, là một trong những lý do dẫn đến khổ. Dần dần, ý nghĩ “ta” cắt sâu vào trong tâm, dẫn đến những ý nghĩ khác như “ta yêu cái này”, “ta ghét cái nọ”, “cái này của ta”, “cái này của người”. Dần dần, cái “ta” này cai trị tâm linh của con người, và khi mỗi cá nhân tự nuôi lớn cái “ta” của bản thân, họ áp nó lên người khác bằng bạo lực hoặc tư duy, dẫn đến đau khổ. Khổ vì không bắt mọi thứ theo ý mình, và khổ vì bắt mọi thứ theo ý mình nhưng trái với mong muốn của người khác.
Vì vậy, nhiều thuyết pháp của Phật giáo khuyên phải phủ nhận cái “ta”, cái “ngã”. Chẳng hạn như Tứ Vô Lượng, gồm từ, bi, hỷ, xả. Thì xả nghĩa là buông bỏ, xem mọi thứ như không. Bởi vì khi chưa xả được, nghĩa là vẫn nặng cái “ta”. Cảm xúc của ta, mong muốn của ta, ý chí của ta, tự coi mình là trung tâm, đề cao giá trị bản thân. Chừng đó vẫn chưa đủ để nói về vô ngã, nhưng hy vọng các bạn đã hiểu nó là gì. Ở đây, gã hòa thượng đã để cho những hoang tưởng của mình lấn át, dẫn đến hành động u mê và tiếp tục dùng sự biện luận của bản thân để áp đặt lên mọi thứ.
Hắn vốn là người lương thiện, nhưng chỉ vì một giấc mơ, hắn sát sinh. Và sau đó, dù không bao giờ có cơ hội biết được hồ ly đó là thiện hay ác, hắn tự quyết định rằng đó là ác và dùng điều đó để trấn an mình rằng mình đã làm đúng, đã trừ được một hậu họa. Hắn đã phạm vào si, nghĩa là vô minh, u tối, không sáng suốt. Chính vì thế, hắn mới gây nghiệp. Chính vì hắn để cho bản ngã của mình tự áp đặt, hắn không có cơ hội để hiểu về hồ ly. Kỳ thực, con hồ ly này đã sớm tu tâm, muốn học hỏi tinh hoa của con người, chưa bao giờ ăn thịt người, chưa bao giờ sát sinh, và thậm chí còn muốn báo đáp ân nghĩa của hắn. Nhưng nó bị sát hại vì sự hoang tưởng của gã hòa thượng.
Chính vì vậy, khi siêu thoát, hồ ly mới cay đắng nói rằng: “Người sợ yêu còn đáng sợ hơn yêu quái”. Bởi vì yêu quái thì có tốt có xấu, nhưng người sợ yêu thì vốn đã mặc định yêu quái là thứ xấu xa, do đó họ sẽ luôn sẵn sàng xuống tay. Những kẻ đó thậm chí còn độc ác hơn cả yêu quái.
Tên của gã hòa thượng thư sinh kia là “No Voice”. Mình dịch ra là Bất Không, mặc dù không biết có chính xác hay không, nhưng mình cho rằng đó là một cách chơi chữ rất hay. Bởi vì “Không” đại diện cho vô ngã, và “Bất Không” nghĩa là phủ nhận lại vô ngã. Hắn thực sự là một kẻ đã áp đặt cái “tôi” của mình lên mọi thứ một cách cực đoan.
Nếu bạn để ý, những xác chết đông cứng xung quanh Tiểu Lôi Âm Tự và cả những tên cầm chùy, chúng chính là đệ tử của Bất Không. Da của chúng tím tái vì lạnh, tay chân cố quấn thêm vài sợi dây để tránh bị lạnh. Chuyện kể rằng mỗi khi nhận đệ tử vào chùa, Bất Không sẽ phát cho chúng một chiếc áo cà sa. Các đệ tử nói rằng áo mỏng quá, không đủ để chống lại cái lạnh. Bất Không mới nói rằng với trí tuệ của Đức Phật trong tim, ngươi sẽ không còn sợ lạnh nữa. Những kẻ chết cóng, chúng thiếu lòng thành kính và trí tuệ, sự hiểu biết của chúng nông cạn và tâm trí không vững vàng. Ta ngồi tu tập là khai mở trí tuệ, chứ không phải tu luyện thần thông mà có thể chống lại thời tiết. Đạo Phật không giúp con người có phép lạ, nhưng Bất Không đã áp đặt tư tưởng của mình lên các đệ tử một cách cực đoan. Và thế là số người chết cóng xung quanh Tiểu Lôi Âm Tự ngày một nhiều hơn.
Bất Năng là một trong những người có bản tính bất trị, nhưng cũng là người ham thích tranh luận. Một hôm, Bất Năng hỏi Bất Không: “Huynh à, sát sinh có phải là tội không?” Bất Không bảo: “Sát sinh là tội lỗi, nhưng nếu vì mục đích tốt đẹp hơn thì nó không phải là tội lỗi.” Bất Năng lại hỏi: “Sát sinh không những không giải được nghiệp chướng mà còn gây nghiệp nặng hơn, vậy thì làm sao người ta có thể giác ngộ và phổ độ chúng sinh?” Bất Không mới hỏi lại rằng: “Nếu ta không xuống địa ngục thì ai sẽ xuống? Nếu không sát sinh để rồi từ đó gây họa lớn hơn cho người khác thì chẳng phải là nghiệp nặng hơn sao?” Bất Năng bắt bẻ: “Chính huynh nói sẽ phải xuống địa ngục, chứng tỏ sát sinh là tội lỗi. Người tốt tự nhiên sẽ được báo đáp, huynh không cần phải làm phức tạp thêm.”
Bất Không vội giải thích: “Vào địa ngục chỉ là ẩn dụ, ám chỉ là ta chịu khổ vì người khác.” Bất Năng gạt đi: “Vô lý, sát sinh là sát sinh, không cần phải viện cớ quanh co. Huynh à, cái cớ đằng sau việc sát sinh mới chính là tội lỗi thực sự.” Nghe tới đó, Bất Không sững người, nhớ lại điều mình đã làm trong quá khứ.
Bất Năng là kẻ cứng đầu, y có võ thuật vô song. Một hôm, Hoàng Mi bảo muốn dạy thêm vài tuyệt kỹ cho hắn, nhưng Bất Năng từ chối, bảo rằng võ thuật của bản thân đủ để đánh bại bất kỳ ai, do đó không cần những kỹ năng khác. Hoàng Mi mới hỏi: “Ngươi như vậy là thiếu khả năng thích ứng, làm sao có thể tiến xa được?” Bất Năng nói rằng: “Nếu con dùng những phương pháp mà con không tin tưởng để giành chiến thắng, thì ngay cả khi cuối cùng con thắng, con vẫn cảm thấy mình không thắng được cuộc chiến đó.” Hoàng Mi mới hỏi vặn lại: “Ngươi không tin tưởng con đường của sư phụ ngươi sao?” Bất Năng liền trả lời: “Sư phụ ngươi luôn đi theo con đường con quan. Đó là lý do tại sao ngươi khó đạt được Phật quả. Dường như ngươi có thể làm được mọi thứ, nhưng thực ra ngươi không thể làm được gì cả.” Chính vì điều này mà Bất Năng bị trói ở ngoài để ngẫm nghĩ lại, và tới tận bây giờ, anh ta vẫn không từ bỏ con đường của mình.
Cả hai bọn chúng đều áp đặt bản ngã của mình lên đối phương. Hoàng Mi thì mong muốn đệ tử nghe theo ý mình, còn Bất Năng, nếu hắn ngay từ đầu đã chỉ muốn nghe theo chính mình, vậy hắn gia nhập vào Tiểu Lôi Âm Tự để làm gì? Những kẻ như thế chỉ muốn nghe người khác đồng ý với mình mà thôi. Vậy dùng bản ngã của mình để áp đặt lên người khác, đó chính là cội nguồn tạo ra khổ đau.
Bản thân Hoàng Mi cũng chẳng khác nào Bất Năng. Hắn xuất thân là một đệ tử của Phật, nhưng lại tự cho Phật Tổ Như Lai là rác rưởi, dẫn đến việc tự lập ra Tiểu Tây Thiên để tạo ra một cái đạo Phật theo ý của hắn. Kết quả đó phản ánh chính xác con người của Hoàng Mi. Hắn và Kim Thiền Tử đã rất nhiều lần tranh luận với nhau, và mỗi lần như vậy đều cho thấy ý niệm của hắn đang đi ngược lại giáo lý của Phật giáo. Hắn kể rằng hắn đã thấy những bậc cha mẹ vì đói mà đổi con lấy thức ăn, đám con trai phóng đãng của những gia đình giàu có vì ham muốn dục vọng đã chà đạp lên đạo đức, những học giả uyên bác, cao ngạo vì vinh quang đã áp đặt lên những người bất đồng chính kiến, những vị tướng vĩ đại vì khao khát của cải đã tàn sát toàn bộ gia tộc.
Đó là bản chất của con người, và hắn kết luận rằng cuộc đấu tranh của họ, niềm vui của họ, sự quyết tâm của họ, và khoái cảm của họ, chu kỳ bất tận của nỗi buồn và sự sung sướng của con người, không bao giờ ngừng lại và không bao giờ thỏa mãn. Đó chính là nguồn gốc của sức sống vô biên trên khắp tam giới. Vậy thì tại sao nó không phải là ý nghĩa thực sự của mọi cuộc sống? Và đó là điều mà Hoàng Mi thích thú. Hắn muốn nhìn những thứ đó. Hắn muốn xem con người và các sinh vật bộc lộ bản chất xấu xa của mình. Cuộc sống là sự tiếp diễn bất tận của cực lạc và đau khổ, nhưng điều đó lại đi ngược lại với giáo lý của Phật, khi Đức Phật muốn mọi chúng sinh từ bỏ đi những điều khiến họ đau khổ để rời khỏi vòng luân hồi bất tận và trở nên giác ngộ.
Đó cũng là sự khác biệt của Hoàng Mi và Kim Thiền Tử. Hoàng Mi tin rằng bản chất con người là ác, trong khi Kim Thiền Tử lại cho rằng bên trong họ có mầm thiện. Cả hai đánh ngược với nhau về điều đó. Nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì không có gì phải suy nghĩ. Như ở trên đã nói, bản chất con người nằm ở giữa hai lằn ranh thiện và ác. Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể mà cái gì sẽ phát sinh. Thế nhưng ở đây, Hoàng Mi đã chọn. Thay vì để mọi thứ theo tự nhiên, hắn đã kích động sự tham lam của con người để họ trở nên độc ác. Hãy nhìn kỹ, bạn sẽ thấy rằng hắn dùng ma lực kéo người đàn ông tới, và từ đó, ông ta không còn kiểm soát được chính mình. Để rồi những người khác cũng vì vậy mà sa ngã theo.
Phút cuối, khi Hoàng Mi nói rằng hắn lại thắng một lần nữa, Kim Thiền Tử bảo rằng: “Hòa loạn nhân tâm, đảo quả vi nhân. Sư huynh chấp nhất thắng thua, vừa đáng cười mà cũng vừa đáng buồn.” Hòa loạn nhân tâm là chỉ việc Hoàng Mi tác động lên con người khiến họ xấu xa, đảo quả vi nhân là từ chỗ người dân làng nhận được bổng lộc vì họ giữ được mầm thiện của mình – đó là quả – thì lại trở thành nhân khiến họ lao vào cướp bóc giành giật. Chỉ một tác động nhỏ của Hoàng Mi đã biến phúc thành họa.
Kim Thiền Tử cho rằng việc sư huynh chí game chỉ để thắng cược điều đó thật đáng cười chê, nhưng cũng đáng để buồn. Vì Hoàng Mi thân là người ở xứ Phật mà lại không yêu thương con người, không xót xa khi họ trở nên độc ác, mà chỉ quan tâm đến chiến thắng của mình. Trả lời lại, Hoàng Mi nói rằng: “Nếu không thể thắng, còn chứng minh gì nhân quả lòng người?” Nói dễ hiểu thì là: Game chơi là để thắng, làm gì cũng được miễn là thắng để chứng minh mình đúng.
Và Hoàng Mi vốn từ đầu không quan tâm con người như thế nào, bởi vì hắn đã quyết định con người là xấu xa, và hắn làm mọi cách để hướng con người tới điều đó, làm mọi cách để thắng. Bởi vì nếu không thắng, chẳng phải mọi điều hắn đã nói trước đây đều đổ sông đổ biển hết sao?
Hoàng Mi cũng đã tác động lên chính Thiên Mệnh Nhân, giống như đã tác động lên những kẻ khác. Xích Khao Mã Hầu là một minh chứng cho sự biến đổi của chú khỉ nhân vật chính. Nó đã tự quy phục và đi theo con đường của Hoàng Mi Quái. Sự lặp lại của hình ảnh đâm kiếm giữa nó và Thiên Mệnh Nhân như chứng minh rằng chú khỉ này đang dần trở nên hắc hóa vì những điều đã và đang phải chứng kiến. Loài khỉ của Hoa Quả Sơn không phải là không có sự xấu xa, nó chỉ ở đó và chờ được kích động lên mà thôi.
Cuối cùng, hãy đến với những chi tiết ẩn dụ thú vị trong chương ba này. Đầu video mình có nói về bọn quỷ Dạ Xoa đã đi tu và bày tỏ mong muốn chặt 1,000 cái đầu để chứng minh quyết tâm của họ với Hoàng Mi. Điều này có lẽ lấy cảm hứng từ điển tích về tôn giả Angulimala. (Angulimala trong kinh Nikaya – Kinh Tiểu Bộ, Tôn giả sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp Bà-la-môn, cha Ngài tên Bhaggava, quan cố vấn cho vua Pasenadi, nước Kosala)
Ngài vốn là một tên tướng cướp, đã giết chết 999 người, các ngón tay của họ xâu lại thành một vòng hoa trên cổ. Tới người thứ 1,000 thì ngài gặp được Đức Phật và được giác ngộ, trở thành học trò của Phật. Angulimala giết người vì bị thầy của mình lừa rằng phải giết 1,000 người để đắc đạo, cũng giống như các Dạ Xoa đã được Hoàng Mi khuyến khích chém giết ngay trên Tiểu Tây Thiên. Ngoài ra, kiếp trước của Angulimala cũng là một con quỷ Dạ Xoa tên là Shesha Loma.
Trong Tiểu Lôi Âm Tự, chúng ta sẽ thấy rất nhiều nhà sư bị mù. Chẳng hạn như tên thợ xây đã đã trở thành thầy tu mà Thiên Mệnh Nhân đụng độ ở đầu chương, hay các đệ tử của Bất Năng rồi các cung thủ Dạ Xoa. Chúng đều được Hoàng Mi khuyến khích chọc mù đôi mắt của mình. Điều này cũng liên quan đến một thuyết pháp của Phật giáo, đó là Chánh Tri Kiến, hay còn gọi là Chánh Kiến. Chánh là điều thiện, điều đúng đắn, tri là biết, kiến là thấy. Nhìn thấy mới là thực, tai nghe chưa chắc là thực. Những nhà sư chọc mù mắt của mình thì chỉ có thể nghe mà thôi, và từ đó họ tự suy diễn trong đầu mình thay vì thực sự biết chuyện gì đang diễn ra. Nếu không thực sự nhìn thấy, làm sao họ biết được điều gì là đúng đắn? Họ sẽ chỉ nghe được những gì Hoàng Mi áp đặt lên mình mà thôi.
Kết
Nội dung chương ba xoay quanh khái niệm vô ngã. Hoàng Mi và Bất Không đều đi ngược lại điều này, dùng bản ngã của mình áp đặt lên kẻ khác. Với Bất Không, hắn xuất thân là con người và vẫn có mầm thiện bên trong, nhưng bị đưa đẩy, bị tác động bởi giấc mơ mà phạm vào sát sinh, và hắn đã lạc lối khỏi vô ngã từ lúc đó. Còn Hoàng Mi, hắn vốn thấu tỏ mọi thứ, nhưng vì vui sướng trước sự lầm than của chúng sinh, hắn cưỡng cầu tất cả đi theo con đường của mình, ý chí của mình.
Vậy thử hỏi khi tất cả chống lại hắn, cả đệ tử cũng chống lại hắn, thì lòng hắn có thanh thản không, có bình yên không? Hắn không bao giờ có được những gì mình muốn, nên hắn luôn phải giả dạng thành người khác. Hắn giả thành Phật Tổ để lừa Tam Tạng, giả thành Phật Di Lặc để lừa các thần tiên tới dự tiệc, và để thu phục được họ, hắn phải dùng căn khí của Đại Thánh. Nói tóm lại, không ai tin tưởng hắn, bởi vì hắn không phải là Phật, không có Phật tính, hắn chỉ là một kẻ ở Đất Phật nhưng đầy lòng tà mà thôi.
Hãy mượn câu chuyện về đám Dạ Xoa để kết cho video này. Lũ Dạ Xoa ở Tiểu Lôi Âm Tự thích ăn thịt uống máu, các sư thầy thì chỉ thích ăn chay. Một hôm, khi Dạ Xoa đang mở tiệc, một sư thầy mang một nồi rau đến bảo chúng ăn. Khi cho thịt, các Dạ Xoa nổi giận mà nói rằng: “Ngươi nghĩ rằng ăn thứ này sẽ giúp ngươi hiểu rõ hơn về Pháp sao? Thật nông cạn.” Sư phụ nói rằng để đạt được lạc thú, người ta không nên kềm chế ham muốn.
Các sư thầy trả lời: “Ham muốn của ta là phát huy đức hạnh. Nếu chúng ta không thuyết phục được các ngươi, chúng ta cũng không thể có được lạc thú.” Và cứ thế, cả hai bên cãi nhau không dứt. Ngươi ăn những gì mình thích và nói những gì mình muốn không phải là sai trái, nhưng hạnh phúc của mình không nên làm phiền người khác. Và mọi người không nên tìm niềm vui trên nỗi đau của kẻ khác. Trong trường hợp này, cả hai bên đều có lỗi.