Vừa qua nổi lên vấn đề 1 youtuber nickname Gogo TV bị Vinfast kiện, ép xóa clip, bắt ký cam kết dù không đồng ý, trong khi khách hàng có quyền lên tiếng không hài lòng về sản phẩm mình không gặp phải. Cách xử trí của Vinfast (trực thuộc tập đoàn VINGROUP) đang khiến cộng đồng mạng dậy sóng với nhiều ý kiến trái chiều. Câu chuyện này phần nào khơi gợi lại chuyện con ruồi trong chai nước của Dr.Thanh và hành động đẩy khách hàng vào tù không thương tiếc.
Để rộng đường dư luận và đánh giá khách quan nhất nhiều khía cạnh trước khi kết luận, mình xin dẫn nguyên văn các bài viết của các tác giả trình bày phân tích khá chi tiết, có căn cứ và hợp tình hợp lý về vụ việc này.
Bài viết nhận định của 1 nhân viên cũ VinFast
Với tư cách 1 nhân viên cũ của Vin 2015-2016-2017 (2 năm làm thủ tục hợp đồng cho Vinhomes 2) và sử dụng rất nhiều sp của Vin mình có nhận xét cơ bản thế này.
VINGROUP
Đầu tiên, nói về Vin:
- Quy trình chuẩn, cực chuẩn.
- Nhân viên chuyên nghiệp, 1 năm học ít nhất 48h mới được xét lên lương.
- Thái độ đối với khách hàng cực tốt.
- Khách hàng tốt thế nào, nhân viên khổ thế vậy do áp lực công việc, yêu cầu cao. Thà mất nhân viên chứ không mất khách, một số người nói độc tài (điểm trừ). Tuy nhiên bù lại, thu nhập rất tốt.
- Sản phẩm luôn luôn cố gắng tốt nhất có thể, giá trên trời.
- Là khách khi chơi đẹp với Vin, chơi xấu là Vin chơi tới cùng.
CLIP của Gogo TV
Nói về clip, do mấy nay mình bận quá nên không bắt trend được. Không kịp xem clip nhưng theo “chuyên gia cây nhà lá vườn” về xe hơi bạn mình xem thì đánh giá:
- Lỗi có thật về xe.
- Có Voucher nghỉ dưỡng nhưng không đc dùng.
- Lỗi không nghiêm trọng nhưng nhiều.
- Bạn chủ clip vẫn còn được bảo hành tuy nhiên do bị nhân viên Vin làm khó và chế độ bảo hành không như ý lên làm clip.
- Xe mua được 4 tháng. Đi 8000km. GoTV phải gặp nhân viên sale Q7 như cơm bữa, chán mặt nhau thì thôi. Lỗi liên tục.
LUẬN ĐIỂM
Như vậy, xác định lại các luận điểm:
- Về việc coi trọng khách hàng: Vin rất chăm khách, nhưng ngược lại, nếu khách không tốt với Vin thì bằng mọi tiềm lực ép khách ngộp thì thôi.
- Về quy trình bảo hành: Quy trình Vin qua lời bạn GoTv thì đang có vấn đề khiến KH không hài lòng.
- Về sản phẩm: Các lỗi có thật hay Go bày trò khiến Vin ảnh hưởng.
VẤN ĐỀ XỬ LÝ CỦA VIN
Và cách hành xử hiện tại của Vin là không cần biết đúng hay sai, chưa xác minh chi tiết vụ việc mà ép GoTV trong đêm phải gỡ clip, ký vào biên bản gì đó (Go nửa đêm phải kêu cứu cộng đồng mạng, rồi cũng bị xoá luôn) đồng thời đệ đơn ra Toà dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại (cũng có thể cho qua cả Hình sự)
Ở đây chúng ta đều thấy, đặc biệt là những người đã xài sp của Vin đó là sự cố gắng cực mạnh mẽ trong mọi sản phẩm, dịch vụ. Không phải tôi là nv cũ mà tôi phải khen hay tôi là Vinno (như mấy bạn hay chửi mấy ảnh cuồng Vin) mà cả trong quá trình làm việc từ 2015-2017 và hiện tại tôi đang sử dụng.
Thậm chí, có những câu truyện mấy năm trước các bạn không nghĩ nó có thật mà đến nay Vin cũng làm được: Vinfast, Vinhome, Vinmec,… nên Vin sản xuất xe điện thì cũng không có gì lạ. Đó là tâm huyết của ng tài như ông Vượng lại còn được cả Quốc gia hỗ trợ thì lên là điều không thể bàn.
Tôi khẳng định P.N.V mà bác ấy biết sp mình có vấn đề thì bác ấy đào cả cái tổng Vinfast lên bác ấy giết hết, giờ bác ấy không còn sống vì tiền nữa đâu.
Sắp IPO tại Mỹ mà để xảy ra cớ sự gì thì mất mặt cả cái quốc gia. Đó là cũng lý do tại sao Vin lại nghĩ bạn GoTV đợi lúc nào ko làm mà lúc quan trọng này lại đi phốt trên chính quốc gia bản địa. Và ngay lập tức, lên phường. Gắt!
Tuy nhiên hãy cẩn thận con dao hai lưỡi. Gắt thì đàn áp được các thanh niên manh động câu like (những ng khác) còn người tiêu dùng sẽ thấy thế nào khi Vin kiện chính khách hàng của họ, không cho họ quyền phản đối, quyền ngôn luận chính đáng về sản phẩm. Bởi vì Go và bên đại lý không tìm được tiếng nói chung nên Go nó mới phải làm clip đăng thế, thử hỏi có ai muốn xe mình đang chạy lại bị rêu rao bị lỗi, sau này có bán ai mà mua? Tiền tỷ chứ không phải ba đồng. Ức quá không làm gì được mới phải lên clip mà đùng 1 phát lên phường thì khác gì Vin đe doạ KH mình sau này cấm mở miệng dù có lỗi?
Tôi nhắc lại, tôi đã sử dụng Vin Lux A2.0 pre và thấy cực sướng, hơn những cái xe cùng tiền rất nhiều. Tôi đi bình thường, không đua bơi, không làm gì. Có lẽ đó là may mắn của tôi và các bạn tôi, nhưng tôi thấy khá nhiều ae cũng dùng Vin lại lỗi linh tinh nhiều, có nghĩa là khâu đồng bộ sản phẩm có vấn đề hoặc cách chạy mỗi người gây ra lỗi khác. Nếu do cách chạy xe cá nhân thì Vin nên làm thêm bảng khuyến cáo ngay từ đầu để tránh trường hợp như GoTV. Còn nếu do lỗi có sẵn xe thì nên nhìn nhận kỹ. Coi chừng như Dr.Thanh (ruồi).
GIẢI PHÁP
Như vậy, để giải quyết vấn đề cũng dễ.
- Triệu hồi xe bạn GoTv và bạn ấy cùng lên một service bất kỳ của bên thứ ba hoặc của Vin cũng được. Nếu của Vin thì mời thêm 1 chuyên gia về xe có uy tín.
- Ba mặt một lời, kiểm tra lỗi và tra soát thái độ nhân viên bảo hành.
- Nếu có lỗi:
- Giải quyết hết lỗi tại chỗ và gửi thêm chút quà đi lại cho bạn GoTV, xin lỗi chân thành. Khâu bảo hành thì cho nhân viên kia kiểm điểm lại hoặc kỷ luật khác.
- Nếu không có lỗi yêu cầu GoTv cải chính lại và lúc đó hãy mang ra pháp luật.
- Đưa thông tin chi tiết mọi vụ việc này thật minh bạch, công khai, dù có thế nào thì chắc chắn danh tiếng của Vin cũng tăng lên trong mắt người tiêu dùng.
- Nếu có lỗi thì Vin cầu tiến, lắng nghe KH và xử lý tốt, sp quốc nội chắc chắn được ưu ái.
- Nếu không có lỗi thì bạn GoTV kia coi như tới số, Vin làm thật nghiêm để răn đe thì cả cđm sẽ ủng hộ để trừ đi những loại tin đồn thất thiệt.
ĐỪNG BAO GIỜ BIẾN KHÁCH HÀNG THÀNH KẺ THÙ.
Vin đang đi nước đi sai lầm, kể cả đợt này có thắng, bạn Go phải bồi thường, đính chính thì sau này một KH mới sẽ rất lo ngại khi mua xe của Vin. Vì nhỡ đâu, sau này chính họ lại là nạn nhân, có lỡ mồm 1 tí là vào tù hay bồi thường nặng nề?
Còn hoạ may (0,000….000001%) Vin thua, thì ai dám mua xe Vin nữa? Đã hư còn đối xử với khách như vậy.
Đây không còn là vấn đề đúng sai nữa rồi mà là vấn đề ứng xử. Một phép thử nhỏ cho Vinfast.
Khách hàng mua qua cảm xúc. Mất cảm xúc là hỏng đấy.
Nguồn otofun
Một bài viết khác
Về vụ Vin tố cáo bạn youtuber Trần Văn Hoàng, kênh GoGo TV
- Bạn Trần Văn Hoàng là 1 thanh niên trẻ, có năng lực, dễ thương. Các clip trong kênh vui, trẻ (mình đã đăng ký kênh để thể hiện sự ủng hộ).
- Clip về xe Vinfast của bạn, mình thấy:
- Bạn rất thiện chí, lịch sự. Xuất phát điểm: bạn mua xe Vinfast vì thích và tự hào, nhưng khi chạy thì gặp nhiều lỗi. Theo bạn có 8 lỗi và bạn đã đi bảo hành với Vin 10 lần.
- Bạn chỉ nói về chiếc xe cụ thể của bạn chứ không nói chung về xe Vinfast.
- Cách bạn đưa thông tin (theo đánh giá ban đầu) là khách quan. Bạn đưa ra các dữ kiện (fact) có thể kiểm chứng về tính đúng đắn, chứ không đưa ra các phê phán, qui chụp, hay miệt thị.
- Là 1 khách hàng, bạn có quyền đưa ra các nhận xét của bản thân về sản phẩm mình mua.
- Về việc Vin tố cáo bạn ra công an, mình cho rằng:
- Đó là quyền của Vin nếu Vin có bằng chứng bạn nói sai sự thật hay xúc phạm, bôi nhọ Vin.
- Trên phương diện quan hệ khách hàng và nhà cung cấp, nếu là mình, mình sẽ không chọn cách làm này- hình sự hoá phản ánh của 1 khách hàng. Mình sẽ tiếp xúc và điều tra về điều bạn phản ánh. Có thể đề nghị bạn cung cấp thông tin và tạm thời chưa đăng clip. Nếu thực sự xe có lỗi thì cần bồi thường thoả đáng cho bạn. Nếu bạn nói sai sự thật thì làm rõ với bạn. Song song VIN nên giải thích rõ ràng với khách hàng và công chúng về sản phẩm của mình.
- Với công chúng, câu hỏi lớn nhất cho Vin là: BẠN HOÀNG NÓI SAI CHỖ NÀO? 8 LỖI BẠN NÊU CÓ ĐÚNG KHÔNG? ĐÂY LÀ TRƯỜNG HỢP HÃN HỮU HAY ĐÂY LÀ VIỆC XẢY RA VỚI NHIỀU XE KHÁC? Với hệ thống truyền thông của mình Vin có sức mạnh truyền thông hơn gấp 1000 lần bạn Hoàng.
- Chọn cách làm này vì: 1) xem clip có thể thấy bạn có cảm tình với Vin và là người hiểu biết, 2) nếu xe thực sự có lỗi, thì nên cầu thị, cầu thị sẽ giúp Vin cải tiến chất lượng sản phẩm, 3) nhận lỗi với khách hàng cũng là 1 giải pháp tiếp thị tốt cho thấy sự tự tin- đàng hoàng của 1 thương hiệu lớn, 4) các hãng xe hàng trăm năm tuổi như Toyota vẫn phải cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giói khi bị lỗi, và vẫn được khách hàng yêu thương; 5) nếu bạn nói sai, mả Vin vẫn lịch sự đối xử thì bạn và các khách hàng khác lại càng tâm phục, khẩu phục.
- Nếu sau khi trao đổi và có chứng cứ cho thấy bạn nói sai sự thật thì Vin có thể khởi kiện bạn ra toà theo pháp luật.
- Đây có thể là 1 tình huống lý thú về xử lý khủng hoảng truyền thông, đặc biệt khi Vinfast dự kiến bán sản phẩm qua Mỹ. Liệu Vin sẽ hành xử thế nào nếu khách hàng ở Mỹ làm clip chỉ ra các lỗi xe của mình. Tố cáo ra công an tiếp chăng?
- Là 1 thương hiệu lớn, cách hành xử của Vin sẽ thể hiện đẳng cấp của Vin.
- Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, luật sư, báo chí cần
- Đứng ra tiếp nhận thông tin và bảo vệ quyền lợi của bạn Hoàng nếu bạn không nói sai sự thật.
- Có các hướng dẫn về truyền thông cho công chúng, khi gặp phải tình huống tương tự: Phản ánh về sản phẩm mình mua như thế nào để không vi phạm pháp luật.
- Các báo nên điều tra và phản ánh việc này 1 cách khách quan để giúp các bên nhìn nhận vấn đề đa chiều.
Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng
VIN KIỆN YOUTUBER không phải KHÁCH HÀNG
Đây là bài viết mà mình thấy tâm đắc nhất trong vụ Vinfast đang nổi lên.
Bản thân mình sử dụng dịch vụ Vin mình thấy khá hài lòng. Mình thấy những ai chê Vin vì chưa sử dụng hoặc sử dụng và luôn đòi hỏi chẳng bao giờ vừa lòng họ cả.
8 câu hỏi keys trong vụ VinFast kiện Gogo TV
1. Xe của Hoàng có lỗi không?
Có! Những người đang sử dụng xe Vin và chính đại diện của Vin vừa lên tiếng cũng xác nhận có lỗi: gạt mưa tự hoạt động, áp suất lốp cảnh báo, cửa kêu… Nhưng nếu vào các hội nhóm của VinFast đều thấy đây là những lỗi vặt, dễ fix, dễ sửa, không phải lỗi nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dùng. Xe ô tô hay những sản phẩm khác, đều có xác suất lỗi, nếu không thì Apple, Samsung, Toyota… đẻ ra cái trung tâm dịch vụ bảo hành làm gì? Vinfast cũng vậy thôi, quan trọng là cách họ xử lý vấn đề thế nào?
2. Vậy Vin xử lý vấn đề xe của Hoàng thế nào? Có cầu thị không?
Có! Vin xưa nay vốn nổi tiếng và chiếm được cảm tình của người dùng bởi khâu hậu mãi, chăm sóc nhiệt tình chu đáo. Trước clip bóc phốt, chính trong các video bạn Hoàng đăng tải khi đến sửa chữa, bảo dưỡng cũng thể hiện điều này.
Trong bài phỏng vấn đại diện VF vừa lên tiếng khẳng định, các lỗi trên xe Hoàng đều đã được đại lý fix triệt để tại những thời điểm khác nhau. Riêng lỗi tiếng kêu ở cửa fix 3 lần mới xong. Đại diện Vin cũng đã thừa nhận sẽ phải siết lại trình độ kỹ thuật của các đại lý sau sự vụ này và sẵn sàng cắt quyền đại lý nếu không nghiêm túc chấn chỉnh tay nghề nhân viên.
Sau khi Vin fix xong tất cả các lỗi thì Hoàng lại báo xe bị ồn nhưng Vin kiểm tra bằng phần mềm của hãng không phát hiện ra và cũng nhờ Hoàng hỗ trợ đo lại bằng phần mềm khác cho khách quan. Ai xử dụng ô tô lâu đều biết “tiếng ồn” nó rất vô cùng. Ví dụ như Ford Everest có công nghệ dùng máy phát hạ âm để triệt hạ âm, giảm tiếng ồn nhưng nhiều người lại bị ù tai, có người lại k bị do cơ địa khác nhau.
3. Clip phản ánh các lỗi trên xe Vin của Hoàng có đúng sự thật không?
Không! Vì có những lỗi là đúng như đã nói ở trên nhưng nội dung clip thì không đúng hoàn toàn. Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải sự thật. Ai xem video của Hoàng đều thấy clip được dựng khá công phu từ nhiều thời điểm khác nhau và dùng những từ ngữ, thông tin không chính xác khiến người xem hiểu lầm rằng chiếc xe này mới đi 8000 km mà đã phải đi sửa 10 lần nhưng vẫn ko hết lỗi. Nghe vậy ai chả kinh hãi, ai còn dám mua xe. Nhưng sự thật thì:
– Chỉ có 7 lần thực tế vào đại lý, trong đó 2 lần đầu là 1 lần thay dầu bảo dưỡng, 1 lần bị tai nạn gãy càng A. 5 lần còn lại vào khắc phục lỗi đều sau khi khi bị tai nạn, có lần tố lỗi xe
– Lỗi phanh kêu mà Hoàng lo lắng nhấn mạnh trong clip rằng “Đến một ngày nào đó đạp thắng mà không ăn thắng nữa thì trách nhiệm đó ai chịu” chẳng qua vì má phanh bẩn.
– Quy những chỗ trầy xước, dơ trên ghế do bên sửa chữa. Trong khi xe đã đi gần 10.000 km, bao nhiêu người lên xuống. Cái này lại ko có biên bản làm việc chứng minh lỗi do đại lý.
Nên nhớ là tất cả những nội dung này đều được Hoàng ký xác nhận tại từng thời điểm, còn ông nào thuyết âm mưu nói Vin nó giả mạo chữ ký thì tôi chịu.
4. Vậy Hoàng đăng clip có phải vì tinh thần xây dựng, góp ý cho hãng không?
Không! Chẳng ai góp ý với ý tốt để bạn tiếp thu và hoàn thiện hơn bằng cách đặt điều, mô li phê về bạn với hàng trăm nghìn người khác cả. Khi đã lựa chọn đăng 1 clip với những thông tin không chính xác, cường điệu hoá nó lên có nghĩa là bạn đang muốn dìm hàng, bôi xấu về người đó.
5. Hoàng có phải là khách hàng thông thường không?
Không! Hoàng là youtuber, kiếm tiền bằng lượng view và folow trên kênh của mình. Khi Hoàng đăng clip bóc phốt VF lên kênh có bật nút kiếm tiền thì chắc chắn bạn ấy không còn là khách hàng thông thường và muốn phản ánh một cách vô tư về sản phẩm nữa. Vin cũng đã nhiệt tình tiếp nhận, xử lý lỗi xe và thảo luận với Hoàng nhưng bạn ấy vẫn chọn cách đăng clip với nhiều thông tin không chính xác. Đó là lý do vì sao Vin lại quyết mạnh tay trong vụ này dù trước đó có rất nhiều khách hàng khác đăng clip review về xe Vin (seach cụm từ “Xe Vinfast lỗi” trên youtube là thấy”.
6. Vin kiện Hoàng có phải quyết định đúng không?
Đúng! Tại sao?
Bởi vì tôi cho rằng khách hàng tử tế mới là thượng đế. Bạn là khách hàng nhưng không có nghĩa bạn được lợi dụng quyền của khách hàng để bôi nhọ, ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Có nhiều người lý luận: “Người ta bỏ ra cả tỷ bạc mua xe, người ta phải có quyền nói”, Ô thế các bạn có nghĩ Vin đã bỏ ra nhiều tỷ đô để xây dựng VinFast mấy năm nay thì họ không có quyền tự bảo vệ uy tín, danh dự của mình à? Ở thời đại nào rồi? đâu ra cái lý lẽ ô tô và xe đạp đâm nhau thì mặc định ô tô là thằng to nên chắc chắn sai, phải nhường còn xe đạp là kẻ yếu, đáng thương nên cần được ưu ái, bồi thường? Xin lỗi nhé, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật hết. Có người vu oan cho bạn, cố tình đạp đổ bát cơm của gia đình bạn nhưng bạn phải im lặng, quỳ lạy họ mới đúng à?
7. Vậy là Vin đang kiện KHÁCH HÀNG của mình?
Không! Mà ở đây là Vin kiện một “youtuber” chứ không phải kiện khách hàng. Bằng chứng là mọi quyền lợi trong vai khách hàng Hoàng sẽ vẫn được Vin đảm bảo. Dù đang kiện nhau nhưng VF vẫn dự kiến sẽ tiếp tục check độ ồn xe cho Hoàng.
Nên nhớ, Gogo TV có hơn nửa triệu người theo dõi, và nội dung Hoàng đưa lên kênh có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người (có video đạt 5,4 triệu lượt), nếu đó là những thông tin không chính xác, bạn nghĩ mức độ ảnh hưởng như thế nào?
Chính vì dư luận đang nhầm lẫn giữa vai một “youtuber” đưa thông tin sai sự thật để câu view kiếm tiền với vai một “khách hàng” nên Vin đang hứng chỉ trích mạnh. Có phe lợi dụng, hùa nhau đẩy lên thành trend cứ chê xe VF là auto đi tù, đừng mua xe Vin cẩn thận bị kiện, chế ảnh, clip các kiểu….
8. Vin sẽ bị khách hàng tẩy chay, quay lưng?
Có! Nhưng chỉ từ những khách lái xe bằng bàn phím và những antifan theo kiểu “ghét nhau bồ hòn cũng méo”.
Mặc dù khi công bố thông tin sẽ đưa vụ việc ra pháp luật, Vin đã hứng vô số gạch đá, tẩy chay nhưng tôi tin sau vụ việc này, Vin sẽ nhận được sự ủng hộ từ những khách hàng tử tế, đàng hoàng, thích sự minh bạch, rõ ràng và bị thuyết phục bởi chất lượng thực sự của xe chứ không vì những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Cuối cùng, tôi vẫn rất thích quan điểm của Vin: “đối diện với các thông tin sai sự thật gây bất an cho khách hàng, VinFast buộc phải chọn cách làm rõ vấn đề thay vì chỉ giải quyết âm thầm với từng cá nhân. Đây là lần đầu tiên, VinFast phải viện đến pháp luật nhưng tôi tin là những khách hàng chân chính đều ủng hộ chúng tôi minh bạch!”
Sự thật là thứ không thể chối cãi! “Khi nói ra sự thật, chúng ta không có điều gì phải lấp liếm, sợ hãi và chẳng còn gì để đối thủ có thể tìm ra sơ hở”, có lẽ đội ngũ truyền thông của Vin đã áp dụng đúng cách này bằng bài phỏng vấn không thể clear hơn.
Còn theo anh Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia đến từ Truyền Thông Trăng Đen khá nổi tiếng:
SÓNG Ở ĐÁY SÔNG
Vụ Vinfast và GogoTV tè le tét lét đến thế này mà vẫn có KOLs lên phân tích dài ngoằng rồi tung hô được kể cũng lạ đời?
Xin thưa các chuyên gia là không so sánh vụ này với vụ Dr Ruồi được vì các lý do sau:
- Sản phẩm trong vụ DrR (Dr Thanh) là nhắm tới số đông. Số đông có thể tẩy chay theo “phong trào” rồi có một show ca nhạc với các ngôi sao vpop, có giảm giá, có tặng free… rồi có quảng cáo ngợp trời thì có thể tặc lưỡi quay lại sử dụng, quên luôn những lỗi lầm lúc trước. Còn khách hàng mua xe Vinfast là dân tinh hoa Elite, không chắc họ đã hùa nhau tẩy chay rầm rộ nhưng quyết định Yes/No thì chắc đã có ngay rồi.
- Khủng hoảng của DrR hoàn toàn không nằm trong core-value của sản phẩm. Nên nếu có tẩy chay thì là do ghét cái thái độ của nhãn hàng là chính. Còn trường hợp này của Vinfast, khi bỏ tiền mua một cái xe thì khách hàng còn muốn trả tiền cho cả dịch vụ chăm sóc, hậu mãi và quyền được ý kiến vân vân. Nếu Vin xử lý không khéo mà để trong nhận thức của khách hàng hình thành thông điệp rằng mua hàng xong ý kiến có thể phải “lên phường” thì khách chả sợ chạy mất dép luôn?
- Giá trị một chai DrR bé xíu xìu xiu, cho dù có hô hào tẩy chay và có một lòng tẩy chay thật nhưng khi bù khú với bạn bè, khi khát nước thèm đường quá, nhìn thấy một chai DrR vẫn có thể tặc lưỡi mua uống được bình thường. Lỡ có con ruồi trong đó nữa thì thôi bấm bụng đổ đi, hốc vài chai vô bụng cũng không chết được. Còn mấy chục ngàn coi như làm công quả, im lặng là xong. Nhưng số tiền mua một chiếc xe thì không nhỏ, để ra một quyết định là đầy rẫy rào cản, khó khăn, đâu thể tặc lưỡi như khi mua một chai nước đường của DrR được?
- Vẫn với đặc trưng của nhóm khách hàng Elite, họ có thể đã, đang và sẽ là khách hàng mua nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái của Vin chứ không riêng gì xe Vinfast. Nên nếu để khách hàng e ngại với một sản phẩm, thì sẽ mất nhiều cơ hội để họ tiếp cận các sản phẩm khác nữa và ảnh hưởng rất lớn về mặt doanh thu.
- Vụ DrR dù THP có mạnh về tài chính thật, nhưng họ lại thua trên mặt trận truyền thông. Chính điều đó dù gây bất lợi cho THP nhưng lại khiến số đông có dịp hả hê, vì ít nhất là được chửi cho sướng miệng. Còn vụ này thì, vâng vẫn là Elite, khách hàng Elite sẽ chọn cách an toàn là im lặng, nhưng họ sẽ có cảm nhận mình đang thua thiệt. Và cô giáo cho rằng trong mọi tình huống, vấn đề không được giải quyết nếu nó chưa được nói ra.
Kết lại là, đội truyền thông của Vin xử lý vụ này không khéo.
Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh truyền thông thì chắc là rất khó để mọi thứ bùng lên thành một vấn đề ầm ĩ trên cả báo chí chính thống lẫn truyền thông xã hội (dựa trên cả vị thế của Vin lẫn số lượng người thực sự thấy mình có liên quan trong câu chuyện). Sóng thần không có, nhưng sóng ở đáy sông thì sẽ có. Rất nhiều! Thế nên về mặt uy tín và doanh thu, thôi thì chúc Vin may mắn.
Kết luận
Sau nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia có kiến thức và chuyên môn, chắc chắn rằng bạn sẽ có nhận định của riêng mình, còn ai đúng ai sai thì chờ kết luận chính thức của Cơ quan Chức năng và công cáo báo chí chính thức.
Tuy nhiên đây là một case study kinh điển nên tham khảo trong công việc bán sản phẩm, chăm sóc khách hàng và xử lý khủng hoảng triển thông. Vì đơn giản Vinfast và Vingroup là những doanh nghiệp, tập đoàn đầu ngành, có thể nói là số 1 ở Việt Nam, mọi người sẽ nhìn vào kết quả của sự việc để rút ra bài học của mình.
Xem thêm
Chủ kênh Youtube GoGo TV – Trần Văn Hoàng là ai
Trần Văn Hoàng, chủ kênh YouTube GoGo TV, là người được cộng đồng mạng quan tâm khi anh liên quan đến vụ lùm xùm với hãng xe Vinfast gần đây. Trong các video của mình, Hoàng nhiều lần xuất hiện bên cạnh chiếc xe VinFast Lux A2.0 và tiết lộ sống ở Vinhomes. Tuy nhiên, gia cảnh thực tế của anh không khá giả như nhiều người vẫn nghĩ.
Trong video đăng tải ngày 21/3 vừa qua, Hoàng cho biết cha mẹ anh là người gốc Bắc, vì hoàn cảnh khó khăn nên chuyển vào miền Nam lập nghiệp.
Hoàng tiết lộ bản thân quyết định mua xe VinFast Lux A2.0 một phần vì công việc, một phần vì tính bồng bột của tuổi trẻ, thích thể hiện bản thân. Với chiếc xe trị giá gần 1,2 tỷ đồng này, số vốn Hoàng có chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng, phần còn lại là vay mượn của ba mẹ và chị gái mình. Đây cũng là lý do Hoàng không bao giờ nhận chiếc Vinfast này là của mình, nếu ai hỏi thì anh sẽ bảo rằng xe mượn, xe đi thuê, xe của bạn,…
“Ban đầu mình nghĩ đơn giản lắm. Ba mẹ có mấy trăm triệu gửi ngân hàng, chị hai mình cũng có mấy trăm triệu gửi ngân hàng, tổng tiền lời khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Mình thấy tiền lời nằm im như vậy trong khi muốn mua nhà Sài Gòn không đủ. Nếu gom lại cả nhà chỉ có khoảng hơn 1 tỷ, mà nhà Sài Gòn bèo nhất trong hẻm tầm giá 2,5 tỷ, ô tô đi vào được phải tầm 4-5 tỷ, mua nhà với mình là không thể nào.
Rồi mình xem kênh của anh Lâm Vlog, ảnh mua 1 chiếc xe đó chính là Mitshubishi Outlander để làm clip. Ảnh nói bây giờ không có tiền mua nhà nên mua xe để làm trước, có tiền mua nhà sau. Mình xem clip thấy ảnh nói chí phải. Từ khi mua xe nhóm ảnh đi cắm trại, đi làm clip khắp mọi nơi, view toàn 5-6 triệu/clip, mang lại doanh thu tốt. Nên mình cũng có suy nghĩ mua ô tô giống anh Lâm, từ ô tô làm ra tiền để sau này mua nhà.”
Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến Hoàng nhận ra đời “không như mơ” và mọi chuyện bắt đầu có trục trặc.
“Chiếc xe mình mua màu trắng. Mình muốn dùng xe đó để chạy xe cưới. Một tháng chạy 2-3 chuyến được khoảng 10 triệu là cũng bằng tiền lãi ngân hàng. Thời gian còn lại mình dùng xe để đi quay clip, review mấy chỗ du lịch xa Sài Gòn, có phương tiện đi lại cũng an toàn hơn. Cảm giác mua xe xong nôn nao, sung sướng lắm. Đùng cái Covid-19 quay trở lại.
Chiếc xe Vinfast chưa từng chạy xe cưới 1 lần, giờ chỉ đậu dưới hầm thôi. Do dịch nên mọi đám cưới bị trì hoãn, hoặc người ta cũng làm đơn sơ nhỏ nhỏ, không cần thuê xe cưới cho tốn kém. Mục đích mua xe để chạy xe cưới thất bại.
Còn chuyện quay du lịch này kia, thì ok, đi quay đăng lên 1 clip 100.000 view mang về 20 USD, khoảng 460.000 đồng. Số đó không đủ để đổ tiền xăng xe huống chi còn tiền bảo dưỡng, rồi chi phí quay clip. Kênh mình cũng không được như kênh anh Lâm Vlog, kênh anh ấy 5-6 triệu view mỗi clip thì doanh thu có thể 10-20 triệu đồng/clip, còn kênh mình khoảng 500.000 thôi, nên cũng thất bại.
Rồi nếu mình lấy xe Vinfast đi chạy xe công nghệ cũng không phù hợp. Vì chạy ô tô căng mắt hơn xe máy nhiều, não cũng tập trung hơn để nhìn đường, xử lý tình huống, căn góc, tránh xe máy tạt ngang,….Khi đó mình không thể tập trung vào câu chuyện với khách hàng nên chuyến xe cũng trở nên nhạt nhẽo, và mình cất Vinfast đi để lấy Exciter chạy xe công nghệ”.
Với chuyện ở nhà Vinhomes, Hoàng tiết lộ đây là căn nhà anh thuê nhằm mục đích đỡ tiền gửi xe Vinfast, đồng thời cho bản thân có môi trường sống mới, tạo ra nhiều clip chất lượng hơn. Ở thời điểm Hoàng mua xe (tháng 12 năm ngoái) doanh thu từ kênh YouTube của anh khoảng 40 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của chủ kênh GoGo TV, anh chỉ cần trích ra 10 triệu trả tiền xe, 10 triệu trả tiền nhà, 20 triệu còn lại để tiêu xài và làm clip là đủ.
Nhưng sau Tết âm lịch, thu nhập từ Youtube của anh bất ngờ giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/tháng. Căn nhà thuê giá 13,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí phát sinh là vừa hết, không còn đủ tiền dư để trả xe. Kết quả là Hoàng chạy xe ôm công nghệ để có đủ tiền sinh hoạt và phải ăn tiêu hết sức tiết kiệm. Thậm chí anh còn không dám bật đèn trong nhà, nóng quá chỉ mở quạt thay vì điều hòa,…
Thời điểm video lên sóng hồi cuối tháng 3, Hoàng đã phải đăng tin tìm người khác thuê lại vì không còn có thể trụ tiếp được nữa.
Kết thúc video, Hoàng nhắn nhủ với người xem: “Đây là chia sẻ của 1 thanh niên mua xe trước khi mua nhà. Các bạn nào có suy nghĩ giống mình nên suy nghĩ thật kỹ nhé, đừng có vì thấy cái lợi trước mắt mà lao vào làm, phải vẽ con đường thất bại nữa. Hồi đó cứ nghĩ mình có kênh YouTube 400.000 lượt theo dõi là sẽ được ủng hộ nhưng nào đâu có phải. Mà thôi, có chuyện gì thì chúng ta cứ vui vẻ tiếp nhận, xử lý, rồi sẽ ổn thôi”.