Những điều bất tiện với smartwatch bạn cần tham khảo qua trước khi quyết định có nên sắm cho mình hay không — Bài viết được chia sẻ trên diễn đàn tinhte
Mình thích và cực kỳ hứng thú với smartwatch. Chiếc đầu tiên mình đeo và xài lâu là Pebble 1, sau đó tới LG G Watch R, rồi Apple Watch và hiện tại đang dùng Pebble Time Round.
Smartwatch giúp giải quyết được một số vấn đề cơ bản mà smartphone không thể làm nhanh được, ví dụ như chuyện coi thông báo khi đang chạy xe ngoài đường, hay như bạn thì dùng nó để đo việc luyện tập thể thao mà không cần đem điện thoại theo bên người.
Nhưng smartwatch vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế mà phải xài một thời gian mới thấy được bên cạnh một số rào cản rõ ràng. Xin chia sẻ với anh em về những cái chưa hay và những điều cần quan tâm của smartwatch để ai chuẩn bị đi mua có thể cân nhắc và lựa được cái nào phù hợp với mình.
Kiểu dáng, trọng lượng
Nếu bạn đeo một thứ lên người, đương nhiên thứ đó sẽ phải đẹp. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu đối với hầu hết những người bạn đang xài smartwatch mà mình hỏi thăm (hơi tiếc là chưa có số liệu thống kê trên diện rộng hơn). Dù nó xịn tới đâu, nó có nhiều tính năng tới đâu nhưng thiết kế xấu thì sẽ không bao giờ được chọn. Khi bạn mua một cái smartwatch, tạm cho là bạn thấy nó đẹp và thích nên mới mua nó.
Tuy nhiên, sự bất tiện trong kiểu dáng của smartwatch hiện tại đến từ kích cỡ của nó. Đa phần các smartwatch vẫn còn quá dày hoặc quá to khiến việc đeo lên tay không phù hợp với rất nhiều người. Một số nhà sản xuất như Apple, Motorola giới thiệu nhiều kích cỡ khác nhau cho mặt đồng hồ nhưng ngay cả chiếc Apple Watch 38mm vẫn còn khá dày so với một cái đồng hồ đeo tay. Nó là bạn trông ngầu và hiện đại, nhưng lại khiến cảm giác trên cổ tay không dễ chịu chút nào. Cái smartwatch dễ chịu nhất mà mình từng xài qua là Pebble Time Round, gần đạt được đến mức thoải mái của đồng hồ cơ nhưng vẫn còn kém chút xíu.
Một số mẫu smartwatch hiện tại cũng rất đẹp nhưng lại nặng. Sức nặng đó tạo ra một lực tác động lớn lên cổ tay khiến bạn lúc nào cũng có giảm có gì đó vướn tay và phải luôn để ý với cổ tay mình, trong khi những cái đồng hồ cơ đeo vào là xong, bạn không còn nhớ tới sự tồn tại của chúng cho đến khi bạn cần coi giờ. Và với mình, yếu tố này là yếu tố quan trọng nhất: smartwatch không được làm bạn phân tâm.
Màn hình đẹp hay màn hình e-ink tiết kiệm điện
Những tưởng một yếu tố bình thường nhưng lại rất quan trọng khi anh em tính mua smartwatch. Màn hình LCD và AMOLED sẽ mang lại màu sắc, độ sâu tuyệt vời, nhưng đừng quên là anh em đang dùng đồng hồ, không phải điện thoại đâu. Anh em không dành phần lớn thời gian của mình nhìn vào cái smartwatch! Trong khi đó, tấm nền LCD và AMOLED trên đồng hồ thường gặp phải những vấn đề sau: độ phản chiếu lớn, khó xem khi ra nắng, quá sáng trong môi trường tối, và đương nhiên là ăn pin nhiều hơn.
Mình thấy màn hình phù hợp nhất để dùng trên smartwatch nên là màn hình LCD e-ink. Nó không đẹp, không mượt, không mịn như các màn hình LCD và AMOLED, bù lại rất tiết kiệm điện do đặc tính không cần làm mới liên tục. Ngoài ra, LCD e-ink rất dễ xem ngoài nắng, ví dụ như hình bên dưới. Garmin, Pebble là hai hãng có dùng e-ink và chúng luôn là lựa chọn hàng đầu của mình bởi vì lý do này đây.
Phức tạp
Với đồng hồ bình thường, bạn đeo vào, bạn xem giờ, cùng lắm là bấm thêm 1-2 nút để điều chỉnh thông tin, vậy là hết. Trong khi đó, smartwatch có cách sử dụng tương đối phức tạp hơn, bạn phải biết về menu, bạn phải biết về cách duyệt qua các đề mục có trong máy. Một vài thiết bị sử dụng thiết kế giao diện rối rắm và không tự nhiên khi thao tác trên một cái màn hình quá bé như vậy (Apple Watch là ví dụ).
Nhưng sự khó chịu không chỉ đến từ bản thân cái đồng hồ, nó còn xuất hiện trong quá trình bạn setup đồng hồ với điện thoại. Còn nhớ việc ghép đôi giữa Pebble và iPhone / Android khá cực, quá trình này tốn hết 5 phút kể từ khi pair cho đến khi kết nối thành công và có thể dùng được. Apple Watch thì nối với iOS nhanh nhưng mỗi khi cần kết nối lại cũng mất thời gian không kém. Android Wear thì tương đối dễ thao tác hơn, nhưng vẫn là quá phức tạp không đáng có.
Theo mình, smartwatch nên được tối giản nhiều nhất có thể, và giao diện sẽ phải làm cho thật tinh gọn. Mình đánh giá cao giao diện của Pebble trong khoản này vì họ làm mọi thứ to, dễ xem, dễ click, cách điều hướng qua lại giữa app với màn hình chủ và chuyển mặt đồng hồ cực kì đơn giản. Apple Watch mình thấy kém nhất trong khoảng này, đặc biệt là ở giao diện app drawer theo dạng nổi nổi của công ty.
Pin
Thật ngạc nhiên khi nhiều người bạn mình hỏi thăm không quan tâm nhiều tới pin trong quá trình chọn mua smartwatch. Họ sẵn sàng chấp nhận thời lượng pin chỉ 1-2 ngày vì đằng nào tới tối cũng gắm sạc lại. Tuy vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn lỡ quên sạc hoặc bạn đang trong một chuyến đi chơi xa thì sao. Thời lượng pin dài trên smartwatch là rất cần thiết vì những lý do này. Ngoài ra, việc “ép” khách hàng phải đi sạc mỗi tối cũng chẳng phải là tốt vì bạn lại có thêm một thiết bị nữa để cân nhắc, để đi ghim sạc.
Nếu anh em nào có ý định mua smartwatch thì nhớ để ý vụ pin nhé. Pin cỡ 2-3 ngày là tạm tạm, pin cỡ 4-5 ngày là tốt, và trên 30 ngày là cực tốt. Thường thì những cái đồng hồ nào dùng màn hình AMOLED hoặc LCD e-paper sẽ đạt được thời lượng pin dài trên 4 ngày vì đặc tính tiết kiệm điện của loại tấm nền này. Máy dùng màn hình LCD thường không được trâu lắm.
Notification nhiều đến khó chịu?
Một trong những mục đích chính của mình khi mua smartwatch là để theo dõi thông báo liên tục khi đang di chuyển hoặc ở những nơi không tiện móc điện thoại ra (đường vắng, trong phòng họp, tay bận xách đồ…). Tiện thì có tiện thật, nhưng nếu tần suất nhận notification của anh em cao thì hãy coi chừng, có ngày anh em sẽ phát điên với cái đồng hồ của mình vì cứ liên tục push thông tin ra.
Giải quyết ra sao? May là hiện tại hầu hết các smartwatch có tên tuổi đều có tính năng chặn bớt thông báo theo từng app. Ví dụ, bạn có thể cho phép email gửi thông báo ra đồng hồ và chặn Facebook, Zalo cho đỡ phiền.
Nhưng các hãng smartwatch đáng ra vẫn có thể làm tốt hơn. Ví dụ, họ áp dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi xem người dùng xài thông báo nào nhiều nhất, từ đó chỉ hiện các thông báo quan trọng này ra mà thôi. Bằng cách này bạn sẽ không cần phải đi bật tắt noti cho từng ứng dụng nữa, tiết kiệm được cả khối thời gian. Hoặc một cách dễ hơn: hiển thị trực tiếp những app nào muốn bật tắt thông báo ngay từ khi setup đồng hồ với điện thoại, vậy thì người dùng sẽ biết và làm ngay lúc đó, không cần mò vào settings. Những thao tác này anh em thấy đơn giản nhưng chỉ là anh em quen với đồ công nghệ thôi, những người không rành sẽ không biết đến sự hiện diện của chức năng này đâu.
Gọi điện – vì sao không xài điện thoại?
Mình nhận được khá nhiều câu hỏi dạng như sau: mua cái nào gọi điện được. Câu trả lời là chẳng có cái smartwatch nào có thể thay thế được điện thoại của bạn trong mục đích này cả. Với những cái smartwatch có loa ngoài và microphone, không lẽ khi bạn nói chuyện bạn muốn cả thế giới phải nghe bạn? Sẽ ra sao nếu bạn đang cần trò chuyện riêng tư mà loa ngoài của đồng hồ cứ oang oang cả lên. Mình đã từng thấy 1 người làm chung công ty nói chuyện điện thoại qua smartwatch và điều đó chẳng dễ chịu chút nào, bạn chỉ đang làm phiền mọi người xung quanh mà thôi.
Và cũng đừng nghĩ đến chuyện xài đồng hồ có SIM. Pin của chúng rất kém vì phải gánh cả một bộ thu phát sóng vốn tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Chưa kể những mẫu đồng hồ có khe SIM thường to hơn, dày hơn, nặng hơn khá nhiều so với bản bình thường, lại còn đắt tiền hơn nhiều nữa trong khi hiệu quả chúng mang lại không cao.
Combo ngon nhất nếu bạn không muốn rút điện thoại ra nghe vẫn là smartphone + tai nghe Bluetooth. Tai nghe Bluetooth có khả năng bắt giọng nói tốt hơn so với microphone trong smartwatch vì nó nằm gần miệng của chúng ta hơn. Khi có điện thoại tới bạn cũng không cần rút máy ra mà vẫn nhanh chóng trả lời được cơ mà? Nếu muốn xài thêm smartwatch thì chơi combo smartphone + tai nghe Bluetooth + smartwatch, vậy là bạn đã được đáp ứng luôn cả nhu cầu xem thông báo lẫn gọi điện rồi.
Đặc tính công việc ngồi máy tính
Nếu anh em nào thường ngồi trong văn phòng làm việc, anh em hãy cân nhắc trước khi mua smartwatch. Hầu hết thời gian anh em ở trong công ty, mà khi đó nhiều khả năng là đã có điện thoại hoặc máy tính nằm kế bên rồi thì tại sao phải mua thêm smartwatch làm gì. Nhiều bạn không để ý vụ này, khi đi mua về rồi thấy ít xài hẳn mới vỡ lẽ. Ngay chính mình hồi đó cũng thế thôi, mới mua về rất cool nhưng chẳng giúp giải quyết được gì, trong khi mọi thứ đều có ngay trên smartphone và laptop rồi.
Nói như vậy không có nghĩa là mình nói anh em văn phòng không nên mua smartwatch. Mình thích thì mình mua thôi, chỉ là anh em nhớ cân nhắc vụ này trước vì nếu thấy không cần thiết và không sử dụng nhiều thì có thể bỏ qua, tiết kiệm tiền chờ món khác ngon hơn.
Khả năng tương thích
Mình luôn ưu tiên chọn một cái smartwatch có tính tương thích cao, tức là ít nhất phải xài được gần đủ tính năng trên cả Android lẫn iOS. Ví dụ như Apple Watch, nếu bạn mua nó về mà giờ chán iPhone muốn đổi sang Android thì phải làm sao? Hồi trước Samsung Gear hay Android Wear cũng vậy, chúng bị bó buộc rất nhiều vào nền tảng của smartphone và tự giới hạn tiềm năng của mình. Có thể một chiếc Gear S3 khi sang iPhone sẽ mất đi một số tính năng, nhưng ít nhất những chức năng xịn và hay thì vẫn phải chạy được bình thường.
Android Wear hiện tại đã tương thích cả hai nền tảng Android và iOS, Pebble cũng vậy, Gear S2 và S3 của Samsung cũng tương tự. Chỉ còn Apple Watch là tương đối hạn chế nên anh em nhớ để ý vụ này. Nếu anh em có ý định gắn bó lâu dài với iPhone thì cứ thoải mái chiến, nhưng nếu đang nhen nhóm ý đồ “đào tẩu” sang Android thì hãy cẩn thận trong việc lựa chọn smartwatch đi kèm nhé.
Nguồn Tinhte