Chúng ta có đang quá độc ác? Mình vốn dĩ chẳng muốn lên tiếng về vấn đề này, bởi từ lâu đã không thích thói hóng hớt của đa số người dùng mạng xã hội. Nhưng chứng kiến những người bạn bè thân thiết của mình cũng hóng và chia sẻ những thông tin thất thiệt chưa có kiểm chứng làm mình rất bực và cảm thấy cần có nghĩa vụ để chỉ ra cái sai của netizen ngày hôm nay, để níu kéo lại chút trong sáng mong manh của mạng xã hội.
Trà xanh, Hải Tú, Sơn Tùng, Thiều Bảo Trâm: Những từ khóa được tìm kiếm với cường độ điên đảo bởi những con người đam mê hóng hớt ngày hôm nay; và dù không hề muốn, mình vẫn phải đọc kĩ những dòng bình luận trên những trang mạng nổi tiếng đăng tin về sự việc này. Phần lớn cho rằng Hải Tú là nguyên nhân chính gây nên sự sụp đổ của mối quan hệ giữa MTP và Bảo Trâm, nhưng dẫn chứng của họ lại chỉ đơn thuần là giả thuyết của những story trên Instagram mà không hề có sự lên tiếng nào của người trong cuộc.
Mọi thông tin đưa lên đều chỉ là suy nghĩ cá nhân. Thậm chí còn xuất hiện cả những đoạn chat được che tên, những comment như ‘’Chị tao làm ở khách sạn và thấy Sơn Tùng và Thiều Bảo Trâm đi cùng nhau’’ xuất hiện trong mục bình luận mà chưa hề có một chút kiểm chứng xác thực nào. Ấy vậy mà mọi người vẫn thi nhau hùa vào chửi Hải Tú bởi họ cho rằng cô là kẻ thứ ba, tệ hơn là vào những tấm ảnh nhiều năm trước để sỉ vả, lăng mạ và hạ nhục người phụ nữ. Nhưng buồn cười ở chỗ mình không dám chắc đằng sau những chiếc avatar biết nói đấy thì mấy ai nhận thức được hành động của mình, và tại sao họ làm vậy.
Ngày hôm nay làm mình nhớ lại khoảng thời gian 6 năm về trước, khi một nữ sinh bị phán tán clip lên mạng bởi người bạn trai cũ. Thời điểm ấy, cô gái này bị sỉ nhục, tra tấn tinh thần bởi những chiếc avatar vô danh. Chúng công kích liên tục vào trang mạng cá nhân, khiến cho người con gái ấy phải uống thuốc sâu tự tử. Tiếp tục sau đó là một nữ sinh lớp 11 đã nhảy xuống ao tự vẫn khi ảnh chụp mình hôn một nam sinh khác bị phát tán lên mạng kèm bức thư ‘’Con xin lỗi bố mẹ’’ năm 2018. Mọi nguyên do xuất phát từ sự nhục mạ công khai của cộng đồng mạng, so sánh những số phận này với ‘’phò’’, với ‘’đĩ’’ mà không hề nhận thức rằng khi lăng nhục ai đó, ta đã phá hủy chỗ đứng trong xã hội của một cá nhân, không cho phép họ quyền nói, đáp trả và quyền được lắng nghe. Bởi vậy mà đa số những vụ việc như thế này trên mạng, hiếm khi ta nghe được lời thanh minh từ nạn nhân.
1. Niềm vui độc địa.
Trở lại với vụ việc ngày hôm nay, mức độ làm nhục không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc chửi rủa, mà tệ hơn là làm những meme, những tấm hình chèn được cho là ‘’vui nhộn’’ khiến cộng đồng mạng vô cùng thích thú và chia sẻ với tốc độ chóng mặt (và bạn có thể bắt gặp chính mình trong đấy). Tất cả chỉ vì mục đích bắt kịp trend và câu like với những lời biện hộ như ‘’vui vẻ thôi mà’’ hay ‘’con giáp thứ 13 thì đáng bị thế’’.
Trong ‘’Thiện, ác và smartphone’’, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang gọi đây là niềm vui độc địa (vui trên nỗi đau của người khác). Hiện tượng này thực tế và hiện hữu xung quanh nhiều hơn chúng ta tưởng bởi con người có xu hướng tham gia nó một cách vô thức, mà ở đây là hai nút ‘’like’’ và ‘’share’’. Họ bật cười khi thấy nạn nhân bị đem ra làm ảnh chế, lấy điều đấy làm hay ho rồi tương tác với bức hình rồi làm nó lan rộng khắp toàn không gian mạng. Thích thú hơn cả chắc chắn là những ai làm ra các Internet Meme này rồi, bởi càng chứng kiến sản phẩm của mình lan rộng, họ càng thích thú và tăng động lực lặp lại cái niềm vui ấy trên nỗi đau của các nạn nhân tiếp theo.
Loài người không ai ác không ai tồi, không ai đê tiện, không ai phụ bạc cả. Loài người chỉ là một lũ ngu dốt không biết phân biệt điều hay, điều dở, không biết ăn ở sao cho phải, luôn luôn bất cập, luôn luôn thái quá; loài người chỉ là một lũ nhầm lẫn đáng thương! Do thế mới có câu: than ôi, không ai bản thân vốn ác, vậy mà người ta đã gây ra cho nhau biết bao nhiêu thảm kịch ở đời
Giông Tố – Vũ Trọng Phụng
Con người thường cười trên đau khổ của người khác bởi họ có xu hướng đánh giá bản thân không qua các thước đo chuẩn mang tính khách quan, mà qua việc so sánh giá trị của mình với người khác đang vấp ngã (theo thuyết so sánh xã hội của Leon Festinger). Bởi vậy, khi nhìn thấy dân mạng hùa nhau chửi Hải Tú về việc phá hoại hạnh phúc, những cá nhân riêng lẻ nhìn nhận bản thân tốt đẹp hơn ‘’Ờ, ít ra mình cũng không phải là Tuesday và nhân cách không rẻ mạt như cái con kia’’, làm họ cảm thấy thật ưu việt, thượng đẳng về mặt đạo đức; tự phong cho bản thân quyền được cười trên nỗi đau của người bị hại.
2. Quyền năng của chiếc Avatar
Mình so sánh hình tượng avatar mạng xã hội như một lớp mặt nạ hoàn hảo vậy. Khoác nó lên và bước vào dòng chảy của hàng trăm, hàng nghìn tài khoản khác giống như đoàn quân đeo mặt nạ V trong bộ phim ‘’V for Vendetta’’ khiến cho sức mạnh của chúng tăng lên một cách đáng sợ. Quay trở lại với vụ việc hai nữ sinh kia, thoáng qua mình đọc được những câu bình luận như ‘’có ai bắt nó chết đâu’’, ‘’cái chết là do nó chọn lựa mà’’, hay tệ nhất là ‘’chết đi cho đỡ chật đất, bớt đi một con phò’’ mặc cho sự gào thét cầu xin thảm thiết từ phía bậc mẹ cha của nạn nhân.
Avatar phiên âm avatāra nghĩa là hóa thân, hiện thân, thế thân – một khái niệm trong đạo Hindu, Ấn Độ giáo.
Trong Facebook có hình Avatar là ảnh đại diện trên tài khoản hay trang thông tin của người dùng
Hòa mình vào ‘’dòng thác avatar’’ khiến cho từng cá nhân cảm thấy sự quyền lực, một sức mạnh tối cao đến đáng sợ của một tập thể. Tự cho mình quyền năng báng bổ bất cứ ai mà không cảm thấy phải chịu trách nhiệm trước lời nói của mình. Bởi khi cảm thấy trăm người xung quanh như một, mỗi cá nhân đều giảm bớt trách nhiệm của mình với suy nghĩ ‘’Ai cũng chửi nên thêm một lời chửi của mình không thay đổi gì nhiều’’. Hãy tưởng tượng việc cùng nhau nhục mạ Hải Tú từ ‘’dòng thác avatar’’ như việc đám đông giận dữ lấy từng viên đá ném liên tục vào người đang bị treo trên một chiếc cọc vậy. Chúng ta đâu có quan tâm rằng viên đá đó sẽ gây sát thương bao nhiêu đâu? Mà việc ném đá ấy chỉ đơn thuần là nguyên nhân của việc hành động theo đám đông và vứt bỏ trách nhiệm của bản thân chỉ bởi ‘’những người khác cũng đang làm thế’’.
Nấp sau những chiếc avatar, những người này không có chút băn khoăn gì về việc hành động online của mình có gây tác động gì tới một cá nhân khác ngoài đời thực không bởi tâm lý cho rằng khi ‘’ẩn danh’’, sẽ chẳng ai biết họ là ai. Do đó những cá nhân này luôn mang tâm lý rằng mình sẽ chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ bình luận nào từ bản thân. Con người dần trở nên chai sạn và thờ ơ như nạn tham nhũng mà chẳng có thủ phạm nào bị đưa ra ánh sáng cả. Tệ nhất, những người này không hề có một chút nhận thức nào về việc đằng sau tài khoản mình đang buông những lời cay độc là một con người bằng xương bằng thịt, cũng biết khóc, biết đau và có nhân quyền. Họ thúc ép bộ não suy nghĩ rằng mình đang xúc phạm một cách ‘’tổng sỉ vả’’ vào một tấm ảnh, chứ không phải một cá nhân. Điều này như việc bạn cầm một khẩu súng ngắm và giết một người ở tầm xa vậy: Vô cùng đơn giản và dễ dàng, nhưng lại không dám bóp cò khi kẻ địch đang nằm trước mặt. Bởi khi ở tầm xa, ta không chứng kiến khuôn mặt thật của nạn nhân, không có bất kỳ cảm xúc nào. Nhưng khi họ ở ngay trước mắt và nhìn vào đôi mắt của người cầm súng, đó lại là một điều hoàn toàn trái ngược.
3. Căm ghét – khởi nguồn của bạo lực
Sự căm ghét có nhiều sắc thái và mức độ khác nhau. Nhưng bằng cách này hay cách khác, con người thường có xu hướng mong muốn phá hủy đối tượng mình có ấn tượng xấu, đặc biệt xấu. Vậy nên khi thấy Hồ Ngọc Hà bị nghi là người thứ ba trong mối quan hệ với một đại gia có vợ, nhiều bà mẹ bỉm sữa liên tục xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của cô và cảm thấy bực tức khi Hồ Ngọc Hà xuất hiện tại một sự kiện lớn hay quảng cáo nhãn hàng. Càng thấy, họ càng thêm căm phẫn, muốn hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của cô bằng cách lập các diễn đàn, group facebook và chạy quảng cáo Facebook để phá hủy cuộc sống riêng tư của nữ ca sĩ. Điều này làm mình ‘’bắt sóng’’ với trường hợp của Hải Tú và không lấy làm lạ khi những điều tương tự cũng đã xảy ra.
Chứng kiến kẻ mình ghét bị hành hạ khổ sở đem lại cho con người cảm giác quyền lực và thỏa mãn, thậm chí nhiều trường hợp còn thấy chưa đủ và muốn người họ ghét phải chịu khổ hơn nữa. Chính bởi vậy, căm ghét thường đi liền với những suy nghĩ, viễn cảnh về sự phục thù. Nó làm con người cảm thấy phấn khích và mạnh mẽ một cách rạo rực; xem việc tha thứ như một hành động của một kẻ yếu đuối đồng thời có phần hèn nhát bởi họ đã vứt bỏ sức mạnh, quyền lực mà cảm xúc này mang lại.
Và rồi bạo lực xảy ra. Đó chính là nguyên nhân của những vụ việc đánh ghen vô nhân tính tràn lan trên mạng xã hội; được chia sẻ và lan tỏa với tốc độ chóng mặt bởi hành hạ kẻ mình ghét đem lại chúng ta sự ưu việt về đạo đức, cho rằng mình thượng đẳng và tốt đẹp hơn. Điều này khiến cho sự hưng phấn không ngừng gia tăng mà quên mất rằng chính bản thân mình cũng đang vi phạm vào nhân quyền, xâm phạm thân thể. Tệ hơn cả là những người xung quanh nhìn vào và ủng hộ nó, làn sóng tích cực ‘’phải trừ gian diệt đĩ’’ khiến cho kẻ bạo hành bị hoang tưởng về công lý, cho rằng mình là người phân định trái phải. Nhưng thực tế họ đang lấy cái sai để sửa chữa điều sai trái khác thay cho pháp luật.
Và ngay bây giờ mình thật sự đang lo rằng ngày mai, hay tuần sau, hoặc một thời điểm nhất định nào đấy, một chiếc clip đề ‘’đánh ghen H.T’’ sẽ được đăng lên và rồi dân mạng sẽ lại chuyền tay nhau với vẻ mặt thích thú.
Vậy sau cùng, việc chửi rủa Hải Tú có phải là một điều tốt nhân danh công lý không? Hay là một bước gần hơn để con người đứng bên bờ vực của sự suy đồi đạo đức?
Cảm ơn bác Đặng Hoàng Giang vì đã đem đến cho mình một cái nhìn hoàn toàn mới về mạng xã hội – điều mà một năm trước mình chưa đủ nhận thức để hiểu hết.
#zaqnguyen
Nguồn Tổ dân phố số 6 – fb.com/todanphoso6/posts/426768908752977
Xem thêm bài viết VÌ SAO MỘT SỐ NGƯỜI LẠI QUÁ ĐỘC ÁC VỚI NGƯỜI KHÁC? trên vnreview