Trải nghiệm cá nhân của Trần Phạm Thông Hiệp (Thông Hiệp) – CEO và sáng lập thương hiệu SHONDO, SHAT đã từng gọi vốn đầu tư 1 triệu USD tại Shark Tank Việt Nam mùa 5.
Trưởng thành gồm 2 phần: phần trưởng thành bên ngoài (là phần ngọn), và phần trưởng thành bên trong (gốc rễ)
Phần bên ngoài là gì ?
Đó là trưởng thành nằm ở số tuổi (18 tuổi), ngoại hình, tiền bạc, chức vụ…. Phần bên ngoài này mình cho chỉ là phần ngọn, tuổi tác và sinh lý là 1 quy luật của đời người, vì có nhiều người nhìn bề ngoài trưởng thành mà khi tiếp xúc lại thấy chưa trưởng thành,dù đã ngoài 40, 50 tuổi mà có khi họ suy nghĩ, hành động như thể là “trẻ trâu”, hở một tí là giận dỗi, nóng nảy và hay gây khó chịu cho người khác.
Phần bên trong là gì ?
Đó là trưởng thành về mặt cảm xúc (EQ)
Có thể nói người trưởng thành ở đây chính là người trưởng thành về mặt cảm xúc (EQ), bên trong quan trọng hơn bên ngoài. Khi người ta chia ra các giai đoạn khủng hoảng về các độ tuổi (tuổi lên 3, tuổi dậy thì, tuổi trung niên v.v…), việc vượt qua các khủng hoảng chính là việc trưởng thành về mặt cảm xúc. Cách để nhận biết nhóm người này là họ thường điềm đạm, chững chạc và cư xử nhẹ nhàng, biết lắng nghe người khác nhiều hơn.
Sau 1 số khóa học về phát triển bản thân hay nuôi dạy con cái, mình tìm được điểm chung của những khóa học đó đều hướng về 1 thứ – nâng cao EQ. Và nhận thấy muốn sống hạnh phúc thì cần trưởng thành về mặt cảm xúc. Cảm xúc quan trọng hơn trí thông minh nhiều, có thể nói cảm xúc mới ra lệnh, trí tuệ chỉ thi hành mệnh lệnh của cảm xúc, nói không quá thì cảm xúc gợi cho ta suy nghĩ và đôi khi kiểm soát hành động của ta. (1 số cảm xúc mạnh làm ảnh hưởng đến quyết định như nóng nảy, sợ hãi, sự căm thù, tình yêu, sự tự tin v.v…)
Thế cho nên, trưởng thành cảm xúc để làm gì ? Là để được hạnh phúc, vì có những chuyện ta không thay đổi được hoàn cảnh bên ngoài, thì thôi hãy thay đổi cảm xúc bên trong. Cụ thể là sống hòa hợp, tập cư xử đúng đắn hơn trong các mối quan hệ. Thực tế, trưởng thành EQ (chứ không phải IQ) mới là điểm giúp bạn thành công và thăng tiến hơn trong cuộc sống.
Tóm lại một câu ngắn gọn về EQ rằng “Đỉnh cao của EQ là trong mọi chuyện, nên nghĩ cho người khác trước”.
Xem thêm hình dưới để rèn luyện cho bản thân, không phải cứ biết về EQ là kiểm soát cảm xúc được, việc mổ xẻ ra từng chi tiết, từng cấp độ cụ thể giúp cho việc học tập, thực hành dễ dàng hơn